Ảnh minh hoạ
Bất cập trong nhiều khâu
Luật Đất đai 2013 đã được thực hiện, tuy nhiên, do chưa có quy trình hướng dẫn chi tiết nên mỗi địa phương thực hiện theo một cách riêng. Thời gian qua, một số địa phương đã gửi công văn - đề nghị Bộ TN&MT có hướng dẫn cụ thể về xây dựng các chỉ tiêu và trình tự đánh giá tình hình quản lý đất đai theo yêu cầu của Luật Đất đai 2013.
Nguyên nhân thực tế, chủ yếu do hiện nay chưa xây dựng được hệ thống theo dõi đồng bộ trên phạm vi cả nước; việc đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất đai ở địa phương còn chưa được quan tâm, chưa tổ chức được bộ máy để triển khai, chưa xây dựng kế hoạch thực hiện, chưa có được tiêu chí thống nhất, chưa có nội dung đánh giá đầy đủ.
Hệ thống cơ quan kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về đất đai còn thiếu ổn định về tổ chức; lực lượng còn mỏng; năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một số bộ phận cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.
Đội ngũ cán bộ địa chính cấp xã còn chưa được ổn định; trang thiết bị phục vụ hoạt động phát hiện và xử lý vi phạm còn thiếu; quy định mức xử phạt vi phạm còn thấp. Việc thiếu đồng bộ, dẫn đến công tác quản lý về đất đai tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn, khiến tình trạng buông lỏng quản lý còn diễn biến phức tạp.
Việc thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm về đất đai rất khó khăn, nhất là các dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng gây lãng phí nguồn lực đất đai; quy định chuyển sang thuê đất của các tổ chức sự nghiệp công lập vẫn chưa được các địa phương nghiêm túc thực hiện.
Chưa kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư tại các vị trí xung yếu, chiến lược về quốc phòng, an ninh và quyết định đối với việc sử dụng đất của các dự án có tầm quan trọng quốc gia.
Cơ chế thu hồi, tạo quỹ đất sạch để đấu giá, tăng nguồn thu cho ngân sách chưa được thực hiện tốt. Một mặt là do các địa phương chưa thực sự quan tâm, mặt khác quy định của luật về cơ chế này chưa đủ rõ, khó thực hiện, vì các trường hợp thu hồi đất tại Điều 62 hầu hết là dự án lớn. Trong khi những quỹ đất nhỏ lẻ, xen kẹt trong đô thị, các khu vực lợi thế thương mại lại không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất theo quy định để có thể khai thác được.
Quy định nhà đầu tư tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất (Điều 73) thực hiện còn khó khăn, do chưa có cơ chế để xử lý đối với các trường hợp chưa thỏa thuận được.
Bên cạnh đó, quy định thu hồi đất do vi phạm đối với một số trường hợp triển khai thực hiện còn gặp khó khăn, như: Thu hồi đất trồng cây hàng năm không được sử dụng 12 tháng liên tục; đất trồng cây lâu năm không sử dụng trong 18 tháng liên tục; đất trồng rừng không sử dụng trong 24 tháng liên tục; thu hồi đất đối với dự án đầu tư đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất mà không sử dụng 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ ngày bàn giao đất trên thực địa…
Giải pháp nhằm khắc phục
Để khắc phục những bất cập nêu trên, cần thiết phải sửa đổi các quy định về thu hồi đất trong Luật Đất đai năm 2013.
Trước hết, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật trên nguyên tắc tiếp tục duy trì chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho đất đai tham gia thị trường bất động sản.
Hoàn thiện hệ thống điều tra, đánh giá tài nguyên đất, đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin, tư liệu về số lượng, chất lượng, tiềm năng và môi trường đất phục vụ cho việc hoạch định chính sách.
Xây dựng hệ thống đăng ký đất đai hiện đại với quy trình, thủ tục cơ bản được tự động hóa bằng công nghệ số; triển khai thống nhất trong cả nước hệ thống hồ sơ địa chính dạng số được chỉnh lý biến động thường xuyên đầy đủ, kịp thời.
Xây dựng hệ thống kiểm kê, thống kê đất đai được tự động hóa dựa trên hệ thống hồ sơ địa chính dạng số được cập nhật chỉnh lý thường xuyên, đầy đủ, đảm bảo cung cấp số liệu thống kê, kiểm kê nhanh chóng và chính xác.
Hoàn thiện hệ thống các công cụ tài chính, kinh tế đất để điều tiết các quan hệ đất đai và quản lý thị trường bất động sản. Trong đó, hệ thống định giá đất đảm bảo được yêu cầu định giá đất phục các mục địch khác nhau trong quản lý, sử dụng và giao dịch về quyền sử dụng đất.
Tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nhằm đưa công tác quản lý, sử dụng đất theo đúng pháp luật.
Hoàn thành việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai thành một bộ phận của Hệ thống dữ liệu quốc gia.
Kiện toàn hệ thống bộ máy tổ chức; nâng cao năng lực cán bộ ngành quản lý đất đai đồng bộ từ trung ương đến địa phương; đảm bảo chức năng thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trên phạm vi cả nước, có sự phân công, phân cấp rõ ràng, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ ngang tầm trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực, nhằm phát huy cao nhất năng lực thể chế và hiệu quả của công tác quản lý đất đai trên phạm vi cả nước.
Cơ chế, chế tài đủ mạnh để đảm bảo khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận các công trình kết cấu hạ tầng theo quy hoạch.
Bổ sung một số trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, đặc biệt là thu hồi đất để thực hiện dự án có vốn đầu tư nước ngoài.
Quy định cho phép các trường hợp thuộc diện thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà thực hiện giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng, nếu có nhu cầu thì được thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận với người sử dụng đất.
Sửa đổi, bổ sung quy định cơ chế thu hồi đất do vi phạm, đặc biệt là vi phạm về tiến độ sử dụng đất theo hướng đơn giản và dễ tổ chức thực hiện hơn trên thực tế, sử dụng biện pháp kinh tế (đánh thuế, phạt tiền nặng) thay cho biện pháp hành chính thu hồi đất và không bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản.
Thanh Bình