Thực hiện Công điện hỏa tốc số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ, để kịp thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.

Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố tổ chức giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới đối với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam.

Đồng thời, tăng cường công tác chống buôn lậu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn điều tra, xử lý vi phạm đối với những hành vi vận chuyển trái phép, nhập lậu lợn và sản phẩm từ lợn.

Lực lượng hải quan tăng cường kiểm soát, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi từ cửa khẩu - Hình 1

Ảnh minh họa

Về thực hiện thủ tục hải quan đối với mặt hàng lợn và các sản phẩm của lợn nhập khẩu, Tổng cục Hải quan yêu cầu, hàng hóa phải được quản lý tại cửa khẩu nhập đầu tiên; Không giải quyết thủ tục chuyển cửa khẩu, đưa hàng về bảo quản; chỉ thông quan khi có giấy chứng nhận kiểm dịch đạt yêu cầu của cơ quan kiểm dịch.

Trường hợp phát hiện các lô hàng lợn và sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới thì dừng làm thủ tục thông quan, đồng thời thông báo cho cơ quan liên quan để xử lý.

Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố báo cáo tình hình và kết quả xử lý đối với những lô hàng lợn và các sản phẩm của lợn nhập khẩu bị nhiễm dịch bệnh nếu có về Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan).

Tổng cục Hải quan cũng lưu ý các đơn vị hải quan địa phương báo cáo tình hình và kết quả xử lý đối với những lô hàng lợn và các sản phẩm của lợn NK bị nhiễm dịch bệnh nếu có về Tổng cục Hải quan.

Theo thông tin từ hải quan một số tỉnh tiếp giáp với Trung Quốc (Cục Hải quan Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Giang), các đơn vị này đã tăng cường kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập lậu vào Việt Nam.

Được biết, dịch tả lợn châu Phi chỉ mới phát hiện được tại Trung Quốc từ đầu tháng 8/2018, tuy nhiên nhiều ý kiến nhận định rất có thể virus này đã xuất hiện ở Trung Quốc ít nhất là từ tháng 6/2018, thậm chí có thể từ tháng 4/2018. Sau khi các ổ dịch được phát hiện, cơ quan chức năng Trung Quốc đã có các biện pháp nghiêm ngặt nhằm cô lập và ngăn chặn bệnh dịch lây lan.

Tốc độ lây lan của virus dịch tả lợn châu Phi khi được phát hiện tại Trung Quốc cũng là điều đáng lo ngại. Chính vì vậy, ngày 30/8/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY gửi các bộ và địa phương, trong đó có Bộ Tài chính về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào Việt Nam.

Tuyệt đối không cho phép buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn bất hợp pháp qua biên giới, không rõ nguồn gốc, kể cả quà tặng, quà biếu của cư dân biên giới; phát hiện và kiên quyết xử lý tình trạng buôn lậu lợn, sản phẩm của lợn theo đúng quy định của pháp luật; tổ chức giám sát chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm dịch động vật.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay đã có 12 quốc gia gồm Trung Quốc, Liên bang Nga, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hung-ga-ri, Lát-vi-a, Môn-đo-va, Phần Lan, Rô-ma-ni, Nam Phi, U-crai-na và Dăm-bi-an báo cáo có dịch tả lợn châu Phi. 

Diệp Bắc