Lục Ngạn (Bắc Giang): Họp báo Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng năm 2018 - Hình 1

Toàn cảnh buổi họp báo

Lục Ngạn là huyện miền núi của tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang khoảng 40km, huyện có 29 xã trong đó 12 xã vùng cao, 17 xã miền núi và 01 thị trấn, với tổng diện tích tự nhiên là 1.032,53 km2, dân số gần 23 vạn người.

Lục Ngạn là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt thích hợp để phát triển nhiều loại cây ăn quả, hàng hóa chất lượng cao như: Vải, nhãn, cam, bưởi, táo... Ngoài điều kiện tự nhiên, để có sản phẩm cây ăn quả chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh và từng bước khẳng định vị thế, thương hiệu ở cả thị trường trong và ngoài nước thì yếu tố quyết định đó là người dân huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang với tinh thần lao động cần cù, kiên trì, ham học hỏi, luôn tìm tòi sáng tạo, từng bước chuyên nghiệp hóa trong sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền sản xuất nông nghiệp của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cấp ủy, chính quyền địa phương, Nghị quyết Đại hội Đảng, bộ huyện Lục Ngạn lần thứ XXIV đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh triển khai “Đề án phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao giai đoạn 2014 – 2020”, chỉ đạo phát triển tập đoàn cây ăn quả theo hướng đa dạng, nâng cao sản lượng, chất lượng, giá trị, từng bước đưa huyện Lục Ngạn thành vùng cây ăn quả trọng điểm của cả nước.

Hiện nay, Lục Ngạn có trên 27.000 ha cây ăn quả các loại, là vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc nước ta, trong đó: vải thiều 15.290 ha, sản lượng bình quân 100.000 tấn/ năm, cây có múi 6.440 ha, sản lượng năm 2018 ước khoảng trên 53.000 tấn. Ngoài ra, Lục Ngạn còn có một số cây ăn quả khác có chất lượng, sản lượng và giá trị kinh tế cao như: nhãn, ổi. táo,...

Bên cạnh việc phát triển các loại cây ăn quả, Lục Ngạn còn có một số sản phẩm truyền thống đặc trưng và sản phẩm mới đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, tiêu biểu như: mỳ gạo Chũ, mật ong, sản phẩm chế biến (giấm Kim Ngân sản xuất từ vải thiều...) và rất nhiều sản phẩm đặc sản tiềm năng như: gạo Bao thai Lục Ngạn, gạo nếp Phì Điền, các lâm, thổ sản và nhiều sản phẩm khác mang đặc trưng của từng dân tộc, làng, xã, thôn bản,...

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu đến đông đảo các doanh nghiệp, thương nhân, người dân ở trong và ngoài nước về sự đặc sắc, phong phú, đa dạng các loại trái cây, sản phẩm đặc trưng của huyện Lục Ngạn, UBND huyện Lục Ngạn tổ chức Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng.

Các sản của Lục Ngạn với chất lượng cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hội chợ là cơ hội giúp cho nông dân tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi, tôn vinh thành quả lao động của nhân dân, tạo cơ hội tìm hiểu, liên kết hiệu quả giữa “4 nhà”: nhà nông – nhà doanh nghiệp – nhà khoa học và nhà quản lý.

Bên cạnh đó, thu hút du khách để phát triển du lịch sinh thái, thu hút sự đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn – du lịch, từng bước xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho cây ăn quả và sản phẩm chủ lực của huyện…

Diệp Bắc