Đó là thông tin được đưa ra tại tại Hội thảo "Thu nhập của lao động ngành may ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp hướng tới mức lương đủ sống”, diễn ra ngày 11/4.

Ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn lao động Việt Nam) cho biết, ngành dệt may là ngành có tốc độ tăng trưởng cao, đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, người lao động trong ngành dệt may có mức thu nhập thấp nhất và phải đối mặt với cuộc sống vô cùng khó khăn, bấp bênh, không đủ đảm bảo cho những nhu cầu cơ bản của người lao động.

Theo ông Quảng, tiền lương cơ bản của trung bình của người lao động (làm đủ giờ công) năm 2018 là 4.670.000 đồng. Tuy nhiên, ngành may chỉ đạt 4.225.000 đồng, thấp nhất trong 7 ngành khảo sát.

“Nếu người lao động không làm thêm giờ thì không đủ trang trải cuộc sống. Tỷ lệ nhân viên “nhảy việc” và đình công trong ngành may cũng cao nhất”, ông Quảng cho hay.

Theo thống kê của Tổng liên đoàn lao động Việt Năm, năm 2018 ngành may có 84 cuộc đình công, chiếm tỷ lệ 39,25% các cuộc đình công của cả nước.

Nghiên cứu của tổ chức Oxfam cũng cho thấy, trong các cuộc đình công xảy ra tại Việt Nam kể từ năm 199 đến nay, có 39,5% cuộc diễn ra trong lĩnh vực dệt may, và một trong những nguyên nhân chính là liên quan đến tiền lương.

Lương công nhân ngành may trong nhóm thu nhập thấp nhất - Hình 1

Quang cảnh hội thảo

Bà Kim Thị Thu Hà, Giám đốc điều hành Trung tâm phát triển và hội nhập (CDI) cho rằng, lương thấp sẽ dẫn tới sự phụ thuộc vào làm thêm giờ và thưởng, phụ cấp.

Theo khảo sát riêng của CDI tại Hải Phòng và Đồng Nai, lương cơ bản của công nhân may đạt khoảng 5,1 triệu đồng, chiếm tới 64% tổng thu nhập. Các khoản phụ cấp, lương tăng ca, thưởng khác chiếm đến 36% tổng thu nhập. Đây là khoản có thể bị trừ hoặc không nhận được vào những giai đoạn ít việc.

“Điều này có thể dẫn tới các hệ lụy như giảm năng suất, tỷ lệ tại nạn lao động, phân biệt đối xử, bạo lực, quấy rối và cả những hệ lụy về mối quan hệ gia đình, giáo dục con cái, chăm sóc sức khỏe lâu dài...”, bà Hà nhận định.

Ông Alexander Kohnstamm, Giám đốc Fair Wear Foundation (FWF) cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam sẽ kém hấp dẫn nếu chỉ dựa vào lợi thế cạnh tranh về giá nhân công. Điều này chỉ khiến Việt Nam mất cơ hội trong việc tận dụng cơ cấu dân số vàng để nâng cao nguồn nhân lực trong xu hướng kinh tế số và công nghệ đang phát triển.

Về nguyên nhân người lao động ngành may đang phải chịu mức lương thấp, đại diện FWF cho rằng, do các yếu tố như năng suất, thương lượng tập thể về lương trong ngành may chưa phát triển. Mặt khác, đây cũng là ngành có tính cạnh tranh toàn cầu, trách nhiệm bị phân mảnh do một nhãn hàng đặt hàng ở nhiều nhà máy hoặc một nhà máy sản xuất cho nhiều nhãn hàng nên khiến giá sản phẩm thấp.

Theo đại diện FWF, một trong những nguyên nhân quan trọng là do các nhãn hàng chưa có trách nhiệm với vấn đề lương của người lao động, chi phí lao động không được đưa vào trong quá trình đàm phán về giá.

Đại diện của FWF và CID khuyến nghị Chính phủ cần xác định mức lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động; công đoàn cần nâng cao năng lực thương lượng về tiền lương với người sử dụng lao động; doanh nghiệp cần đưa yếu tố lương đủ sống của người lao động vào đàm phán đơn giá với các nhãn hàng; các nhãn hàng cần tôn trọng giá trị sức lao động của người lao động.

Đại diện Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, ông Lê Đình Quảng đề xuất một số giải pháp như nâng cao công tác hiệu quả quản lý nhà nước về tiền lương, đề cập đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, khách hàng và nhãn hàng quốc tế, đảm bảo quyền lợi cơ bản của người lao động trong chuỗi cung ứng. Đồng thời, đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn, tăng cường đối thoại, thương lượng về tiền lương.

Trúc Mai