Thông tư 14/2011/TT – BNNPTNT – văn bản quy định việc kiểm tra, đánh giá phân loại cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp (VTNN) và sản phẩm nông – lâm - thủy sản đã được triển khai ba năm nay. Thế nhưng, sáu tháng đầu năm 2014, qua kiểm tra vẫn phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh VTNN và thực phẩm nguồn gốc nông- lâm – thủy sản bị xếp loại C ( không đạt yêu cầu) và các cơ sở này vẫn chưa bị xử lý triệt để.
Theo thống kê của Cục Quản lý chất lượng nông – lâm – thủy sản, Bộ Nông nghiệp & phát triển nông thôn (NN&PTNN), trong sáu tháng đầu năm,cơ quan chức năng ở các địa phương đã lấy 823 mẫu thủy sản nuôi để phân tích dư lượng các vi sinh vật, hóa chất độc hại. kết quả, phát hiện bốn mẫu thủy sản có dư lượng hóa chất vượt giới hạn cho phép tại khu vực Nam Bộ, chiếm tỷ lệ 0,48% giảm so năm 2013 (0,65%). Trong 21.791 mẫu nông – lâm - thủy sản, phát hiện 570 mẫu vi phạm các tiêu chí vi sinh vật và hóa chất, kháng sinh ( chiếm 2,62%).
Tính đến ngày 8/7/2014, đã có 54/63 tỉnh, thành phố gửi báo cáo tình hình triển khai Thông tư 14. Ở hai lĩnh vực kinh doanh là: VTNN và thuốc thú y, bảo vệ thực vật (BVTV), tình hình rất đáng quan ngại. Cụ thể, với các cở sở kinh doanh phân bón, năm 2013 đã có 91 cơ sở xếp loại C được tái kiểm và có 64 cơ sở vẫn xếp loại C sau tái kiểm (70,3%). Đối với thuốc thú y, chỉ có một cơ sở xếp loại C được tái kiểm và cơ sở này đạt loại B. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc BTVT, chỉ có 48,57% số cơ sở xếp loại C được tái kiểm đến nay, tăng hơn năm 2013 (27,4%) và tỷ lệ cở sở tiếp tục xếp loại C là 11,76% giảm so năm 2013 (40,6%).
Cục trưởng Quản lý chất lượng nông – lâm – thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho biết, tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh nông – lâm – thủy sản được thanh tra, kiểm tra là 14.323 cơ sở, trong đó số cơ sở vi phạm là 1.584 cơ sở ( chiếm 11,6%). Tổng số cơ sở sản xuất, kinh doanh VTNN được thanh tra, kiểm tra là 3.751 cở sở, số cở sở vi phạm là 817 cơ sở ( chiếm 21,78%). Thông tư 14./2011/TT – BNNPTNT có thể coi là “ xương sống” trong việc kiểm tra về chất lượng VTNN và an toàn thực phẩm (ATTP). Bộ NN&PTNT luôn đôn đốc các cơ quan ngành dọc ở các địa phương thực hiện Thông tư này nên ít nhiều đã tạo chuyển biến tích cực trong việc bảo đảm ATTP. Tuy nhiên, khi triển khai, nhiều nơi vẫn xử lý các vụ vi phạm theo hướng “ giơ cao đánh khẽ” khiến nhiều cơ sở “ nhờn luật” và làm niềm tin của người tiêu dùng vào việc kiểm soát chất lượng ATTP các sản phẩm nông sản giảm sút.
Giám đốc Sở NN& PTNT Hậu Giang Nguyễn Văn Đồng cho biết, dù toàn ngành làm quyết liệt để xử lý các cơ sở loại C, nhưng nhìn từ con số báo cáo của Bộ NN&PTNT ở hai lĩnh vực phân bón và thuốc thú y thì vẫn không ổn. Việc xử lý các cở sở loại C đã có đây đủ quy định, nên làm quyết liệt, sau ba lần kiểm tra không đạt thì cần rút giấy phép.
Trong khi đó, theo đại diện Sở NN & PTNT Bình Thuận thì tại tỉnh này đã kiểm tra 229 cơ sở, phát hiện 13 cơ sở vi phạm; lấy 79 mẫu kiểm tra, phát hiện hai mẫu vi phạm. Đây là kết quả chưa phản ánh đúng thực tế. Theo dư luận phản ánh, phân bón giả, thuộc kích thích không bảo đảm chất lượng còn tràn lan. Nguyên nhân là do Thông tư 14 chủ yếu bao quát các cơ sở có đăng ký kinh doanh, còn cơ sở không đăng ký thì không kiểm tra được. Tại cuộc họp về vệ sinh ATTP với các địa phương ngày 14-7, Bộ Trưởng NN&PTNN Cao Đức Phát bày tỏ lo ngại khi lực lượng chức năng đã lấy 702 mẫu, tổng mẫu vi phạm về tiêu chuẩn công bố là 112 mẫu ( chiếm 15,95%) và số cở sở loại C tăng lên.
Theo Bộ Trưởng Cao Đức Phát, hành lang pháp lý đã có, phải thực hiện quyết liệt, không để tình trạng một người làm hại nhiều người kéo dài. Hướng xử lý và xử phạt, biện pháp bổ sung là rút giấy phép và công khai thông tin. Các địa phương cũng cần nghiên cứu thông tin phân loại A, B, C gắn vào sản phẩm để nhân dân biết và lựa chọn. Đề nghị, các địa phương tập trung triệt phá hàng lậu, hàng kém chất lượng trong sáu tháng cuối năm, đặc biệt là tập trung vào thuốc BVTV giả, ngoài luồng đang trôi nổi trên thị trường… về công tác đấu tranh chống buôn lậu, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, gửi Bộ Công an, Công thương, trong đó đặc biệt lưu ý tình hình buôn lậu thuốc BVTV.
Để kịp thời ngăn chặn tình trạng buôn bán, tiêu thụ phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng. không rõ nguồn gốc này, Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ NN&PTNN chủ trì, phối hợp Bộ Công thương và các cở quan liên quan chỉ đạo, đôn đốc các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân trong quản lý địa bàn và lĩnh vực; báo cáo Thủ Tướng Chính phủ kết quả trong tháng 8-2014.
Theo Thời Nay