Thị trường mỹ phẩm Việt Nam thời gian gần đây chứng kiến sự nổi lên nhanh chóng của sản phẩm mặt nạ Myungi. Sản phẩm này được rầm rộ quảng bá với xuất xứ từ Hàn Quốc. Nhờ chiến dịch lăng xê mạnh mẽ từ hàng loạt nghệ sĩ, MC có tiếng, sản phẩm này đã tạo nên một làn sóng tiêu dùng mạnh mẽ trên mạng xã hội, thậm chí một fanpage còn tự tin tuyên bố đã tiêu thụ tới 6,4 triệu sản phẩm. Tuy nhiên, đằng sau những lời quảng cáo mỹ miều và sự tin tưởng của đông đảo người dùng, ẩn chứa một sự thật đáng lo ngại: mặt nạ Myungi đang lưu hành trái phép trên thị trường khi chưa được cấp Giấy tiếp nhận công bố sản phẩm theo quy định pháp luật Việt Nam.

Nghệ sĩ "bảo chứng" cho sản phẩm chưa được cấp phép, "thần dược" trẻ hóa da hay chiêu trò quảng cáo thiếu minh bạch?
Khảo sát trên các nền tảng mạng xã hội cho thấy, mặt nạ Myungi được quảng bá rộng rãi từ tháng 3/2025 qua các video với những lời khẳng định đầy sức thuyết phục. MC Vân Hugo không ngần ngại tuyên bố đây là "mặt nạ tốt nhất từng biết", với hàng loạt công dụng "5 trong 1" như làm trắng sáng da, giảm thâm nám, căng bóng, nâng cơ, giảm nhăn và tái tạo da nhờ các thành phần "đỉnh cao" như DNA cá hồi và NMN. Sản phẩm còn được nhấn mạnh là "nhập khẩu chính ngạch từ Hàn Quốc" và đảm bảo an toàn, chất lượng. Tương tự, Quỳnh Kun cũng ra sức ca ngợi khả năng "trẻ hóa da" chỉ sau vài lần sử dụng, mang lại làn da "sáng nên trông thấy, rạng rỡ và căng mịn hơn mỗi ngày".


Theo dấu vết quảng cáo, phóng viên đã truy cập website bán hàng https://www.myungi.shop/ và được nhân viên tư vấn chào bán sản phẩm với giá 270.000 đồng, kèm theo quà tặng. Tuy nhiên, khi phóng viên có ý định mua trực tiếp tại địa chỉ được cho là văn phòng đại diện (346 Tố Hữu, La Khê, Hà Đông, Hà Nội), nhân viên này lại thông báo hàng đang ở kho Bỉm Sơn (Thanh Hóa) và chỉ có thể giao dịch tại ngã tư Bỉm Sơn nếu khách hàng cần gấp. Sự bất thường trong địa điểm giao dịch này làm dấy lên những nghi ngờ về tính minh bạch và nguồn gốc thực sự của sản phẩm.

Sự thật phơi bày: Sản phẩm "vô danh" trước pháp luật
Để làm sáng tỏ tính pháp lý của mặt nạ Myungi, phóng viên đã liên hệ và có buổi làm việc với Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vào ngày 24/4/2025. Đại diện Cục khẳng định một thông tin bất ngờ: "Trước đó, Công ty TNHH Đầu tư KDB Group có nộp một bộ hồ sơ nhưng chưa được phía Cục cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm đối với nhãn hàng Myungi. Hiện tại, tra cứu trên hệ thống cấp số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với nhãn hàng Myungi chưa có đơn vị nào được cấp số tiếp nhận."
Như vậy, có thể khẳng định chắc chắn rằng, nhãn hàng mặt nạ Myungi hiện chưa được cấp Phiếu tiếp nhận công bố sản phẩm mỹ phẩm tại thị trường Việt Nam. Đây là một thủ tục pháp lý bắt buộc đối với mọi sản phẩm mỹ phẩm trước khi được phép lưu thông và quảng cáo.
Theo quy định hiện hành, chỉ những sản phẩm trải qua quá trình kiểm tra hồ sơ nghiêm ngặt, chứng minh được tính an toàn và phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật mới được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Việc mặt nạ Myungi ngang nhiên được bày bán rộng rãi và quảng cáo rầm rộ khi chưa có "giấy phép" đồng nghĩa với hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về an toàn thực phẩm và mỹ phẩm. Thậm chí, hành vi quảng cáo sản phẩm chưa được công bố còn có thể bị xử phạt hành chính với mức phạt không hề nhỏ, từ 20 triệu đến 30 triệu đồng, hoặc cao hơn tùy theo mức độ vi phạm.


Nghệ sĩ thiếu trách nhiệm, người tiêu dùng lãnh đủ rủi ro
Đáng chú ý, chiến dịch quảng bá rầm rộ cho mặt nạ Myungi có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ, MC nổi tiếng. Việc những người có sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng này lại quảng bá cho một sản phẩm chưa rõ ràng về mặt pháp lý đang đặt ra những câu hỏi lớn về trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp. Theo các chuyên gia pháp lý, nghệ sĩ khi nhận lời làm gương mặt đại diện hoặc tham gia quảng cáo sản phẩm phải chịu trách nhiệm về nội dung quảng cáo và tính hợp pháp của sản phẩm đó. Việc quảng cáo cho sản phẩm chưa được cấp phép không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn có nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của nghệ sĩ, thậm chí có thể đối mặt với các biện pháp xử lý hành chính hoặc hình sự nếu có liên quan đến hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả. Thực tế đã chứng minh, nhiều nghệ sĩ đã phải trả giá đắt vì những quảng cáo sai sự thật hoặc cho các sản phẩm không rõ nguồn gốc.
Việc quảng cáo tràn lan một sản phẩm chưa được kiểm chứng như mặt nạ Myungi không chỉ vi phạm các quy định pháp luật hiện hành mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại không nhỏ cho người tiêu dùng khi sử dụng những sản phẩm chưa được cơ quan chức năng kiểm định về chất lượng và an toàn.
Hiện tại, các cơ quan chức năng đang phối hợp để tiến hành rà soát, xác minh và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến hoạt động quảng cáo mỹ phẩm không có giấy phép, trong đó có sự tham gia của các nghệ sĩ và đơn vị phân phối sản phẩm mặt nạ Myungi. Đây là một lời cảnh tỉnh đắt giá cho cả giới nghệ sĩ và các doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật, đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên hàng đầu và bảo vệ uy tín thương hiệu cá nhân.
Theo thông tin thu thập được, Công ty TNHH Đầu tư KDB Group, đơn vị đứng sau sản phẩm mặt nạ Myungi, có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại Bỉm Sơn, Thanh Hóa, với người đại diện pháp luật là bà Nguyễn Thị Ngọc. Tại Hà Nội, văn phòng đại diện của công ty này được đặt tại khu vực Tố Hữu, Hà Đông. Đáng chú ý, KDB Group còn được biết đến với dòng sản phẩm mỹ phẩm, dầu gội đầu mang thương hiệu King Monster, mở ra những nghi vấn về mối liên hệ và tính pháp lý của các sản phẩm khác thuộc công ty này.
Việc mặt nạ Myungi chưa được cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên "oanh tạc" thị trường là một dấu hiệu đáng lo ngại về những lỗ hổng trong công tác quản lý và sự thiếu trách nhiệm của cả doanh nghiệp lẫn những người nổi tiếng tham gia quảng bá. Người tiêu dùng cần hết sức thận trọng, chỉ nên lựa chọn những sản phẩm có đầy đủ giấy tờ chứng nhận để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi chính đáng của mình.
(Bài 2: Hé mở về thương hiệu King Monster và những nghi vấn liên quan)
Thành Nam - Tâm An