Theo công bố của Mercedes-Benz hôm 02/08/2022, chỉ riêng trong năm 2021, các nhà chức trách ở hàng chục quốc gia đã thu giữ hơn 1,86 triệu linh kiện giả mang nhãn Mercedes-Benz và AMG (nhãn hiệu con thuộc sở hữu Mercedes) trong hơn 650 cuộc truy quét.

Số lượng linh kiện giả bị phát hiện tịch thu tăng 6% so với năm trước.

Renata Jungo Brüngger, trưởng bộ phận pháp lý của Mercedes cho biết: “Ngành công nghiệp làm hàng giả có cấu trúc tội phạm có tổ chức và thường tạo ra lợi nhuận cao hơn buôn bán ma túy. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên toàn thế giới để hạn chế tình trạng này”.

Theo bà Jungo Brüngger, những kẻ làm hàng giả ngày càng lộng hành trên mạng. Chúng sử dụng các kênh truyền thông xã hội, các hội nhóm để đăng tin rao bán linh kiện phụ tùng trực tuyến, khiến cảnh sát rất vất vả truy tìm.

Đó là lý do tại sao Mercedes phải cử các nhóm chuyên gia bảo vệ thương hiệu để chống lại tình trạng buôn bán phụ tùng giả trực tuyến. Năm 2021, hơn 126.000 sản phẩm giả đã bị xóa khỏi các nền tảng trực tuyến.

Rất khó để phân biệt bằng mắt các sản phẩm giả với các sản phẩm chính hãng, nhưng chất lượng của chúng thường kém và không đáp ứng các yêu cầu pháp lý tối thiểu về mặt an toàn.

Một bộ mâm xe hàng nhái (bên trái) thương hiệu AMG của Mercedes, bộ mâm hàng thật bên phải
Một bộ mâm xe hàng nhái (bên trái) thương hiệu AMG của Mercedes, bộ mâm hàng thật bên phải.

Đó là lý do tại sao Mercedes phải cử các nhóm chuyên gia bảo vệ thương hiệu để chống lại tình trạng buôn bán phụ tùng giả trực tuyến. Mercedes cũng nhấn mạnh việc các linh kiện giả thường được sản xuất trong những điều kiện vô nhân đạo.

Trong một số trường hợp, các tiêu chuẩn môi trường, tiêu chuẩn nghề nghiệp và thậm chí cả quyền con người không được tôn trọng ở các xưởng làm hàng giả, do đó các hoạt động này phải chấm dứt.

Tâm An