
Hàng loạt vụ án nghiêm trọng bị phanh phui
Thời gian qua, dư luận không khỏi bàng hoàng trước hàng loạt vụ việc liên quan đến sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ – từ thực phẩm, mỹ phẩm đến dược phẩm – bị các cơ quan chức năng triệt phá và khởi tố. Nạn nhân của các sản phẩm giả trên liên quan trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.
Đáng chú ý, ngày 24/4 vừa qua, Công an tỉnh Phú Thọ đã triệt phá một xưởng sản xuất mì chính giả do Công ty TNHH Famimoto Việt Nam điều hành. Đường dây này đã sản xuất và phân phối hàng nghìn tấn mì chính giả, kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ, gắn mác các nhãn hiệu như Famimoto và Boat Brand để bán ra thị trường.
Không dừng lại ở đó, theo khảo sát sơ bộ, hiện vẫn còn gần 30 nhãn hiệu mì chính không rõ nguồn gốc đang lưu hành trên thị trường. Chúng được đóng gói lại và phân phối rộng rãi từ các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa đến cả siêu thị lớn ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Trước thực trạng đáng báo động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với các bộ ngành, cơ quan liên quan, nhằm tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ. Tại cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay một đợt cao điểm toàn quốc từ ngày 15/5 đến 15/6 để xử lý triệt để tình trạng này.
Mục tiêu của chiến dịch là nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh công bằng, lành mạnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng.
Mì chính đóng gói lại: Nguy cơ sức khỏe và bất công với doanh nghiệp chân chính. Việc thiếu minh bạch thông tin sản phẩm khiến người tiêu dùng rất dễ nhầm lẫn giữa hàng chính hãng và hàng đóng gói lại. Trên thực tế, nhiều người tưởng rằng đây là sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, trong khi thực chất chỉ là hàng nhập khẩu, không rõ nguồn gốc, được đóng gói lại với bao bì bắt mắt. Điều này tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe nếu sử dụng trong thời gian dài.
Không chỉ người tiêu dùng chịu thiệt, các doanh nghiệp sản xuất mì chính trong nước cũng đang bị tổn thất nặng nề. Trong khi họ phải đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc, sử dụng nguyên liệu nông sản trong nước và chịu các chi phí vận hành lớn để sản xuất tại Việt Nam, thì các cơ sở đóng gói lại chỉ cần nhập nguyên liệu giá rẻ, không rõ xuất xứ, san chia và đưa ra thị trường mà không cần đầu tư đáng kể.
Một yếu tố bất lợi khác là thuế suất nhập khẩu mì chính từ các nước ASEAN và Trung Quốc vào Việt Nam hiện đang ở mức 0%. Do đó, các đơn vị nhập khẩu để đóng gói lại không phải chịu bất kỳ chi phí thuế nào, trong khi doanh nghiệp sản xuất nội địa vẫn phải gánh chi phí vận hành lớn. Điều này tạo ra sự cạnh tranh không công bằng và ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành sản xuất trong nước.
Làm sao để nhận biết sản phẩm mì chính chính hãng?
Sự khác biệt cơ bản nằm ở thông tin ghi trên bao bì sản phẩm:
Với mì chính sản xuất tại Việt Nam: Mặt sau bao bì thể hiện rõ thông tin như “Xuất xứ: Việt Nam” hoặc “Sản xuất tại: [tên và địa chỉ công ty tại Việt Nam]”.
Với sản phẩm được san chia, đóng gói lại: Thường ghi các cụm từ như “Đóng gói tại”, “Cơ sở đóng gói”, “Phối trộn tại”, “Hoàn tất tại”...

Chiến dịch cao điểm do Chính phủ phát động hy vọng sẽ giúp làm trong sạch thị trường, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp chân chính phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ mình và gia đình bằng cách:
Kiểm tra kỹ thông tin bao bì trước khi mua hàng; Ưu tiên chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, thương hiệu uy tín; Tránh mua sản phẩm ghi thông tin mập mờ hoặc không rõ nhà sản xuất.
Vấn nạn mì chính không rõ nguồn gốc, xuất xứ đang là hồi chuông cảnh báo về an toàn thực phẩm, quyền lợi người tiêu dùng và môi trường cạnh tranh kinh doanh tại Việt Nam. Việc xử lý dứt điểm vấn đề này không chỉ bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn giữ gìn niềm tin thị trường và nâng cao vị thế sản phẩm Việt trên sân nhà.
Nguyễn Kiên