Ảnh minh họa
Rào cản kinh doanh
“Công bố phù hợp quy định ATTP” tại Nghị định 38 là quy định không có trong Luật ATTP, nhưng lại đang được áp dụng rộng rãi, phổ biến hơn nhiều so với “công bố hợp quy” – một quy định chính thức của Luật ATTP. Cộng đồng DN, các chuyên gia đã nhiều lần đề nghị bãi bỏ quy định này.
Chia sẻ về những khó khăn mà DN hội viên gặp phải, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho hay, thủ tục này tạo rào cản lớn cho sản xuất, kinh doanh.
Nghị định 38 quy định thời gian trả lời là 15 ngày làm việc với thực phẩm thường; 30 ngày làm việc với thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, kể từ khi nộp hồ sơ. Nhưng thực tế, sau những thời hạn quy định trên, DN thường nhận được công văn yêu cầu bổ sung và thường nhận nhiều lần, mỗi lần bổ sung thời gian thẩm xét lại tính lại từ đầu. Với 3 lần công văn bổ sung đã mất khoảng 2 - 4 tháng, cộng thêm thời gian kiểm nghiệm khoảng 1 tháng, nâng lên 3 - 5 tháng để được cấp giấy phép, làm mất nhiều cơ hội kinh doanh của DN.
Giống như thủ tục cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP, thủ tục cấp giấy tiếp nhận chứng nhận hợp quy trong Nghị định 38 cũng tạo nhiều khó khăn cho DN.
Không những ảnh hưởng tới các nhà nhập khẩu vào nước ta, DN trong nước muốn xuất khẩu cũng gặp khó nếu không đồng cách làm với các nước khác mà Việt Nam là thành viên FTA. Luật tạo ra quá nhiều quy định tương phản khiến DN vừa phải đảm bảo luật trong nước, vừa phải cạnh tranh trên thương trường quốc tế. Điều này dễ dẫn đến việc phá hủy cả một giai đoạn phát triển của nông nghiệp Việt Nam.
Trái cả 3 luật?
Tại Hội thảo “ATTP từ quy định đến thực tiễn quản lý: Vấn đề vướng mắc và kỳ vọng sửa đổi tại Nghị định sửa đổi Nghị định 38/2012/NĐ-CP” diễn ra mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, vẫn tồn tại những nội dung chưa phù hợp với thực tế, đặc biệt là thủ tục cấp giấy tiếp nhận công bố hợp quy và giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tình trạng mất ATTP và yêu cầu bảo vệ người tiêu dùng là vấn đề nóng hiện nay, cần có giải pháp tăng cường sự quản lý của Nhà nước. Nhưng không có nghĩa là duy trì quy định “công bố phù hợp quy định ATTP”, bởi qua thời gian thực hiện cho thấy, đây tuyệt nhiên không phải là giải pháp có tác dụng tăng cường quản lý nhà nước.
Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) nhận định, công bố hợp quy là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm của mình phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và DN tự chịu trách nhiệm với việc công bố đó. Tuy nhiên, Nghị định 38 đang quy định thủ tục đăng ký công bố hợp quy của tổ chức, cá nhân có liên quan với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp, cấp lại, cấp đổi “giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy” có quy trình và tính chất như một hình thức cấp “giấy phép con”.
Khi đó, Cục ATTP hoàn toàn dựa vào nội dung các giấy tờ của DN nộp lên, ngoài ra còn có thể yêu cầu DN bổ sung các tài liệu không có trong luật và nhiều khi trái ngược với thông lệ quốc tế khiến nhà sản xuất không thể đáp ứng được.
Việc chỉ kiểm tra các đề mục giấy tờ mà không có biện pháp để đánh giá sản phẩm công bố của DN cho thấy, việc công bố giấy phép ATTP hoàn toàn là thủ tục hành chính, không đánh giá được sản phẩm có an toàn cho người sử dụng hay không. Từ hình thức thông báo tiếp nhận, đã bị biến thành hình thức đăng ký công bố hợp quy và phù hợp quy định ATTP. Đây thực chất là cơ chế xin – cho, chứ không đóng vai trò quản lý được tình hình ATTP.
Được biết, Điều 12 Luật ATTP 2010 quy định: “Thực phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn phải đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường”, không quy định về biện pháp “công bố phù hợp quy định ATTP”. Bên cạnh đó, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật cũng chỉ quy định biện pháp “công bố hợp quy” và “công bố hợp chuẩn”.
Trong khi đó, Nghị định 38 lại có thêm biện pháp “công bố phù hợp quy định ATTP” là điều hoàn toàn khác với 2 luật trên. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 nêu rõ tại Điều 11 “Văn bản quy định chi tiết chỉ được quy định nội dung được giao”. Điều đó có nghĩa, việc một nội dung “mới” được đặt ra trong Nghị định 38 là trái với nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, thủ tục “công bố phù hợp quy định ATTP” là trái với cả 3 luật trên.
Kiến nghị bãi bỏ…
Theo số liệu tại Báo cáo số 37/BC-CP của Chính phủ, tỷ lệ ngộ độc thực phẩm năm 2016 có tới 97,8% là do thức ăn trong bữa ăn hàng ngày (tại nhà, nhà hàng, đám cưới, thức ăn đường phố…); chỉ có 2,2% là do nguyên nhân khác (thực phẩm bao gói sẵn nằm trong nhóm này).
Như vậy, nguy cơ ATTP do thực phẩm bao gói sẵn (là đối tượng của công bố hợp quy và công bố phù hợp ATTP) chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Vì thế, ý kiến cho rằng nếu bỏ thủ tục này, sẽ dẫn đến nguy cơ mất ATTP là chưa xác đáng và chưa có cơ sở.
Vasep kiến nghị, bãi bỏ quy định cấp giấy xác nhận công bố phù hợp quy định ATTP và chuyển sang hình thức chứng nhận hợp chuẩn theo Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật tại các tổ chức, được chỉ định bởi các cơ quan có thẩm quyền.
Trong khi chưa sửa được Luật ATTP, dựa trên quan điểm quản lý rủi ro trong Nghị quyết 19/2017, Vasep cũng đề nghị bỏ thực hiện công bố hợp quy với các sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn đối với tất cả các nước mà hiện tại Việt Nam đã ký FTA và/hoặc đã có những sự công nhận các giấy chứng nhận hoặc chứng thư ATTP.
Đồng quan điểm, ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia Dự án USAID GIG nhấn mạnh tới lý do cần bãi bỏ quy định “công bố phù hợp quy định ATTP”. Trong đó, ông Bình cho rằng, chính vì có quy định này mà Bộ Y tế nói riêng, các bộ có chức năng về quản lý ATTP nói chung không chịu xây dựng các QCVN cần thiết dẫn tới phần lớn sản phẩm thực phẩm được quản lý một cách tùy tiện. Và vì không có quy chuẩn nên thủ tục không minh bạch, hoàn toàn phụ thuộc vào sự giải thích của Cục ATTP.
Ngoài ra, trong thủ tục công bố sản phẩm, một công việc mất nhiều chi phí và thời gian đó là kiểm nghiệm. Chính vì thế, ông Bình đề nghị quy định, trường hợp DN tự công bố thì việc có cần kiểm nghiệm hay không là do DN quyết định. Nếu DN có cơ sở để tin rằng sản phẩm đáp ứng QCVN và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu sản phẩm không đáp ứng quy định thì không nhất thiết phải kiểm nghiệm.
Các ý kiến đều đề nghị bãi bỏ 2 quy định trên và thay thế bằng hình thức khác phù hợp pháp luật hiện hành, tuy nhiên, có một số chỉ tiêu ATTP và dinh dưỡng cần có mức giới hạn để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Giải pháp trước mắt, Chính phủ một mặt yêu cầu các bộ liên quan phải tích cực xây dựng các QCVN; mặt khác, giao Bộ Y tế và các bộ có chức năng quản lý ATTP quy định chỉ tiêu ATTP và dinh dưỡng cần có mức giới hạn đó.
Các DN sản xuất, nhập khẩu thực phẩm căn cứ vào đó để thực hiện, công bố rõ trên nhãn sản phẩm để người tiêu dùng biết và để cơ quan quản lý kiểm tra.
Trần Nguyên