Cơ quan chuyên trách quản lý an toàn thực phẩm: Tại sao không? - Hình 1

Ảnh minh họa

ĐB Nguyễn Hoàng Mai (Đoàn Tiền Giang): Thời gian qua, tuy đã có những chuyển biến, song tình trạng mất ATVSTP là vấn đề rất lớn, gây bức xúc dư luận. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội về ATTP, chỉ có 10% yên tâm với thực phẩm sử dụng hàng ngày, trong khi có tới 59% chưa yên tâm và 27,5% hoàn toàn không yên tâm.

“Chúng ta có đang tự đầu độc chính mình, khi báo cáo của Đoàn giám sát cho rằng, mỗi năm có khoảng 70.000 người chết vì ung thư và hơn 200.000 ca phát hiện mới, trong có đó một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn?”, ĐB Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) trăn trở.

Theo ĐB Nguyễn Hữu Toàn (Đoàn Lai Châu), nguyên nhân chính là do quản lý nhà nước còn hạn chế, pháp luật còn bất cập. Đề nghị phải đề ra những mục tiêu định lượng cụ thể về ATTP để người dân giám sát.

Ví dụ, cần quy định mỗi năm giảm bao nhiêu phần trăm số vụ ngộ độc thực phẩm so với năm trước; phấn đấu đến năm 2020, có 100% các tỉnh, thành phố thực hiện quy hoạch cơ sở giết mổ tập trung; 100% bếp ăn tập thể được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.

Khẩn trương tổng kết mô hình quản lý về ATTP, hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước về ATTP; tăng cường thanh kiểm tra, kiểm soát thực phẩm; xây dựng chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong ATTP đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm bẩn…

ĐB Hồ Thanh Bình (Đoàn An Giang) cho rằng, đã đến lúc phải có một cơ quan chuyên trách thống nhất chịu trách nhiệm quản lý ATTP ở nước ta. Cơ quan này sẽ toàn tâm, toàn lực đầu tư phát triển nhân lực, thực hiện trách nhiệm đảm bảo ATTP, việc này cũng phù hợp với mốt số mô hình ở các nước phát triển trên thế giới.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TP. HCM) chỉ rõ: Tuy đã có lực lượng thanh tra, kiểm tra, nhưng mới chủ yếu kiểm tra xem cơ sở này, đơn vị kia có giấy chứng nhận sản xuất, kinh doanh ATTP hay không, mà chưa chú trọng làm rõ có vi phạm ATVSTP hay không? Điều này dẫn đến nhiều sự vụ lớn, gây mất ATVSTP vẫn bị “lọt lưới”.

Rõ ràng, để nắm bắt được vi phạm ATVSTP, không phải cứ lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra, khua chiêng gõ trống, một năm vài lần là xong, mà cần áp dụng quy trình tương tự như điều tra. Phải có sự đầu tư cho lực lượng thanh tra ATTP. Đây phải là đội ngũ thực sự chuyên nghiệp, có tâm, dám phát hiện, ngăn chặn thực phẩm bẩn đến với cộng đồng, chứ cứ như cách làm hiện nay thì rất khó có hiệu quả.

ĐB Âu Thị Mai (Đoàn Tuyên Quang) kiến nghị, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt nghiêm minh, đủ sức răn đe; kiên quyết xử lý những vi phạm đã đến mức hình sự. Đề nghị người dân kiên quyết tẩy chay thực phẩm không an toàn như một giải pháp quyết liệt nhất để loại bỏ thực phẩm bẩn.

ĐB Ngọ Duy Hiểu (Đoàn Hà Nội) đề cập tới trách nhiệm của cán bộ cơ sở trong quản lý ATTP. Ông cho rằng, nếu bí thư, chủ tịch huyện, xã, trưởng thôn mà thực sự lăn lộn thì sẽ quản lý ATTP sẽ hiệu quả. Pháp luật cần quy định rõ trách nhiệm của đội ngũ này.

“Sau giám sát tối cao lần này - "bệnh đã được chỉ ra, thuốc sẽ được kê". Vấn đề đặt ra là chính sách - pháp luật về ATTP có được thực hiện một cách nghiêm túc từ thực tế sản xuất, lưu thông, tiêu dùng đến các báo cáo của các cấp, các ngành hay không? Thực phẩm không an toàn có được ngăn chặn và đẩy lùi hay không?

Đề nghị, hàng năm, Chính phủ có báo cáo về ATTP trước Quốc hội; UBND các cấp phải có báo cáo trước kỳ họp HĐND để các tổ chức trong hệ thống chính trị, đại biểu dân cử và người dân giám sát việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội và tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành về ATTP”, ĐB Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hóa) kiến nghị.

Trần Nguyên