Hiện tại
Theo dự báo của Công ty nghiên cứu Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam sẽ tăng trưởng lên 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2025. Mức tăng hàng năm khoảng 6,5%.
Hiện nay, cộng đồng vi mạch cả nước có hơn 40 công ty, doanh nghiệp thiết kế vi mạch và hơn 5.500 kỹ sư, chuyên gia về thiết kế vi mạch. Trong đó, TP. HCM có hơn 30 công ty và sẽ còn tăng trong thời gian tới. Đặc biệt, sự dịch chuyển của các công ty thiết kế vi mạch trên thế giới về Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng ngày càng tăng dẫn đến nhu cầu nhân lực khá lớn.
TP. HCM chiếm 76% tổng số hơn 5.500 kỹ sư thiết kế chip trong cả nước. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn TP. HCM, trong các công đoạn sản xuất vi mạch bán dẫn thì Việt Nam tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch, chiếm khoảng 52%.
Ông Trần Bá Linh, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghệ cao Điện Quang: “Ngành điện tử vi mạch bán dẫn thì chúng ta chưa có nền tảng, đa phần vẫn đang nhập từ nước ngoài về. Vừa rồi khủng hoảng về ngành bán dẫn, có một số đối tác ở bên ngoài vào, muốn đẩy mạnh làm nhanh thì chúng ta bị đứt nguồn cung, đứt từ ít nhất là 6 - 8 tháng mà tới hiện tại bây giờ có một số dòng kéo dài lên tới 12 tháng. Hiện tại có khu công nghệ cao rồi đang phối hợp với các ban ngành là đang tập trung phát triển ngành này rất nhiều và hi vọng là mau chóng có kết quả”.
Còn lại các công đoạn khác, như: Sản xuất vi mạch, đóng gói, kiểm định vi mạch... chiếm 48%, nhưng vẫn còn rất non trẻ. Điều này đồng nghĩa với việc, trong 5.500 nhân lực hiện có, chủ yếu tập trung vào thiết kế vi mạch, các công đoạn khác nguồn nhân lực rất thiếu. Nếu tình trạng này không được khắc phục, rất khó để các tập đoàn lớn trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn của thế giới đầu tư vào Việt Nam.
Khả thi
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và thế giới, lọt TOP 5 thế giới vào năm 2030 với nhu cầu nhân lực cho ngành này khoảng 50.000. PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM nhận định rằng, mục tiêu đào tạo với con số này là khả thi và Việt Nam có tiềm năng để khỏa lấp cho nguồn nhân lực ngành bán dẫn toàn cầu.
Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Việt Nam có thể mở mới, mở rộng quy mô đào tạo chuyên ngành đã có lên bậc tiến sĩ, thạc sĩ, đồng thời đào tạo nâng cao đối với nhân lực từ các ngành phù hợp, ngành gần. TP.HCM cần hình thành Quỹ phát triển vi mạch với quy mô vào khoảng 3 triệu USD để hỗ trợ đào tạo cho nguồn nhân lực quan trọng này. Sắp tới Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. HCM sẽ đề xuất UBND TP ban hành đề án phát triển nâng cao kỹ năng cho ngành vi mạch bán dẫn.
“Chúng ta có thể thu hút nhân lực người Việt đang làm việc, thiết kế vi mạch ở nước ngoài quay trở về bằng chính sách thuế và các chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài mà Nghị quyết 98 cho phép. Thậm chí nếu muốn tăng tốc thì chúng ta tuyển trong vòng 05 năm để hút lực lượng đó về thật nhanh, để phát triển ngành này, để đạt được mục tiêu của mình”, PGS.TS Nguyễn Anh Thi nói.
Hiện, Bộ Giáo dục và đào tạo đang chủ trì xây dựng Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao, để trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm, trong đó có đề xuất chính sách hỗ trợ khuyến khích nguồn nhân lực lĩnh vực điện tử, bán dẫn vi mạch.
Xuân Hải (t/h)