Thị trường giao dịch hàng hóa tại Việt Nam mới chỉ thực sự phát triển kể từ sau khi Bộ Công Thương cho phép liên thông với thế giới vào năm 2018. Tuy nhiên, để hoạt động hiệu quả và bền vững lâu dài, tổ chức thị trường giao dịch hàng hóa đòi hỏi những yêu cầu cao nhất về sự hiểu biết và chuyên nghiệp, cũng như tuân thủ pháp luật Việt Nam và các quy định của các Sở Giao dịch quốc tế liên thông trên thế giới.

Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam. Ảnh minh họa internet
Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam. Ảnh minh họa internet.

Các cơ quan quản lý Nhà nước như: Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước luôn đồng hành và ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy Thị trường giao dịch hàng hóa phát triển, nhưng vẫn đảm bảo sự quản lý, giám sát của Nhà nước.

Đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) đã sửa đổi và ban hành một số quy định như: Quy chế Thành viên của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, Bộ quy định xử lý vi phạm, Bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng Thành viên, Quy chế quản lý rủi ro…

Trong chương trình Tập huấn thành viên toàn quốc ngày 01/07/2022, MXV một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu tất cả các thành viên thị trường tuyệt đối tuân thủ pháp luật Việt Nam như: Không hoạt động, kinh doanh các ngành nghề không được pháp luật cho phép; không huy động vốn trái quy định của pháp luật;…MXV đã đưa ra những chế tài xử lý rất nghiêm khắc cho các vi phạm nêu trên, từ cảnh cáo toàn thị trường, cho tới dừng một phần hoạt động hoặc chấm dứt tư cách thành viên.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng giám đốc thường trực Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho biết: "Khối Quản lý Thành viên của MXV liên tục thực hiện các công tác kiểm tra, giám sát định kỳ và bất thường đối với các thành viên trên thị trường để sớm phát hiện các vi phạm và xử lý theo Bộ Quy chế đã ban hành. Bên cạnh đó, MXV cũng lắng nghe các thông tin, dư luận, để yêu cầu các thành viên thị trường giải trình và đưa ra các hình thức xử lý phù hợp với từng mức độ vi phạm".

Ảnh minh họa interet
Muốn thị trường giao dịch hàng hóa phát triển thì phải tuân thủ pháp luật và quản lý rủi ro tốt. Ảnh minh họa interet.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê và nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước đã hội nhập với giá hàng hóa trên các Sở Giao dịch thế giới từ những năm 2000. Giá xuất khẩu cà phê Robusta tại Việt Nam neo theo giá cà phê Robusta trên Sở Giao dịch Liên lục địa (ICE). Giá cà phê trên Sở ICE tăng hay giảm sẽ ngay lập tức ảnh hưởng tới giá xuất khẩu của các doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng tới giá bán ra từ bà con nông dân tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ.

Theo thời gian, sự liên kết này càng trở nên chặt chẽ và độ trễ của tác động từ giá thế giới gần như đã bị xóa nhòa. Với sự phát triển của công nghệ, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, bà con nông dân đã có thể theo dõi giá cà phê đang giao dịch trên Sở ICE và điều chỉnh mức giá bán phù hợp và có lợi nhất.

Các ngành trọng điểm khác như sắt thép, cao su, xăng dầu cũng đã bắt đầu sử dụng các công cụ bảo hiểm giá thông qua Sở Giao dịch Hàng hóa. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh chia sẻ: "Bảo hiểm giá thông qua Sở Giao dịch Hàng hóa là nền tảng tạo nên các tập đoàn xuất nhập khẩu khổng lồ trên thế giới. Điều này sẽ giúp các ngành sản xuất trong nước được ổn định và phát triển bền vững".

Q.N (t/h)