THCL Giới chức lãnh đạo Nhà Trắng mới đây đã bày tỏ mong muốn, đưa "bộ máy năng lượng của Putin" vào tình thế khó khăn bằng hàng loạt chính sách mới.
Mỹ gia tăng xuất khẩu khí đốt sang châu Á, châu Âu
Bình luận viên Forbes là ông Jude Clement cho biết, chính quyền Donald Trump dự định gia tăng doanh số bán năng lượng ở nước ngoài. Kết quả là, Hoa Kỳ có thể trở thành nước xuất khẩu dầu và khí đốt lớn nhất, làm cho các nước khác giảm phụ thuộc vào Nga.
Chính quyền mới của dự định thực hiện chính sách nhằm tăng tốc độ khai thác và xuất khẩu năng lượng. Theo ông, Donald Trump hứa hẹn sẽ bãi bỏ các đạo luật liên bang để khuyến khích ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt của Mỹ, giúp thế giới tăng cường an ninh năng lượng.
Có thể thấy rõ sự thay đổi chính sách này qua sự bổ nhiệm của chính quyền tân tổng thống. Cựu thống đốc bang Texas, ông Rick Perry đã trở thành người đứng đầu Bộ Năng lượng, cựu CEO của Exxon Mobil, ông Rex Tillerson đứng đầu Bộ Ngoại giao.
Các nhà bình luận của Tạp chí Mỹ Forbes nhận định rằng, kết quả của những sáng kiến này là Mỹ sẽ có thể cạnh tranh với Nga, giành lấy vị trí "nước xuất khẩu dầu và khí đốt lớn nhất thế giới".
Hiện nay, Nga chiếm hơn 20% kim ngạch xuất khẩu khí đốt thiên nhiên thế giới, cung cấp tới hơn 30% lượng khí đốt cho châu Âu. Cũng trong năm 2016, Nga đã vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp "loại nhiên liệu quan trọng nhất, không thể thay thế” là dầu mỏ.
Trong bối cảnh đó, Mỹ có kế hoạch tăng việc bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đến mức 10-12 tỷ khối/ngày vào năm 2020, chiếm tới 1/3 thị trường thế giới hiện nay và dĩ nhiên là đồng nghĩa với việc qua mặt Nga đã độc chiếm thị trường xuất khẩu khí đốt thế giới.
Hiện tại, các công ty Mỹ xuất khẩu LNG đến 20 quốc gia, và đang từng bước đẩy mạnh tăng danh sách khách hàng nhập khẩu ở châu Mỹ Latin, châu Á và hiện nay là châu Âu, tức là chiếm lĩnh tất cả các khu vực quan trọng nhất trong thị phần xuất khẩu của Nga.
Mỹ đang nỗ lực bóp nghẹt ngành xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt Nga
Nhà bình luận của Forbes nhấn mạnh, một ưu điểm lớn là nhiên liệu của Washington đang "rất được mong muốn" ở một số nước châu Âu, họ sẵn sàng mất tiền, trả đắt hơn, chỉ để giảm sự phụ thuộc vào Nga, để bảo đảm an ninh năng lượng của mình, tránh lệ thuộc vào Moscow.
Theo ông Clement, xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt từ Mỹ tăng cường an ninh toàn cầu, bởi vì nó giúp giảm bớt ảnh hưởng của Nga trên thế giới. Cùng với đó, nguồn nhiên liệu của Mỹ giúp các nước đang phát triển có thể vượt qua “các cơn đói năng lượng".
"Nhìn chung, ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt nên cảm thấy hạnh phúc với sự gia tăng hỗ trợ từ các cơ quan hành pháp và chính phủ liên bang Mỹ. Trong thời gian tới, bộ máy năng lượng của Putin chắc chắn sẽ rơi vào một tình thế khó xử" - Jude Clement kết luận.
Được biết, vào hồi tháng 8/2016, lô hàng khí thiên nhiên hóa lỏng đầu tiên của Mỹ đã được xuất khẩu đến Trung Quốc. Đây là thương vụ của Công ty Royal Dutch Shell với China National Offshore Oil Corp, trong khuôn khổ một hợp đồng cung cấp dài hạn.
"Lô hàng này có thể là sự khởi đầu của nhiều nguồn cung cấp khác từ Mỹ đến châu Á, đặc biệt là khi ngày càng có nhiều công ty gas độc lập nhỏ của Trung Quốc mua khí đốt của nước ngoài ngay tại chỗ" - tờ báo dẫn lời nhà phân tích chuyên về năng lượng BMI Research Peter Lee.
Trước đó, lô hàng khí tự nhiên hóa lỏng đầu tiên của Mỹ đã được tàu chuyên dụng Creole Spirit chuyên chở đến châu Âu vào tháng 4/2016. Theo đó, công ty năng lượng Bồ Đào Nha Galp Energia là khách hàng châu Âu đầu tiên nhập khí hóa lỏng từ công ty Mỹ Cheniere.
Nga có lo sợ Mỹ cướp vị trí độc tôn?
Tờ Wall Street Journal của Mỹ trước đây đã từng nhận định rằng, khí đốt từ Mỹ có thể tràn đầy thị trường châu Âu, địa bàn mà suốt trong thời gian dài khí đốt Nga luôn chiếm vị thế chủ đạo.
Theo quan điểm của nhà phân tích Thierry Bros từ Société Générale, dòng khí hóa lỏng LNG của Hoa Kỳ sang châu Âu có thể gây ra cuộc chiến giá cả với khí đốt dẫn theo đường ống của Nga và Na Uy, tiếp theo sẽ dẫn đến giảm giá gas dành cho người tiêu dùng.
Đây được coi là sự khởi đầu của một cuộc chiến giá cả giữa Mỹ và Nga, cùng với các nước xuất khẩu khí đốt khác. Cơn bùng nổ dầu khí phiến thạch đã hoàn toàn biến đổi thị trường năng lượng ở Mỹ và theo những dự báo lạc quan, trong năm nay, Mỹ sẽ trở thành nhà xuất khẩu khí gas sạch.
Theo quan điểm của các chuyên gia Nga, nước này vẫn còn khả năng có thể hạ giá khí đốt dành cho người tiêu dùng ở châu Âu.
Tập đoàn "Gazprom" đã từng tuyên bố không có kế hoạch tiến hành chiến tranh giá cả, nhưng nếu giá khí hóa lỏng LNG của Mỹ giảm xuống thì tập đoàn Nga cũng sẽ cố gắng cắt giảm chi phí của mình.
Trong bối cảnh đó, Nga cũng đã bắt đầu đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu khí hóa lỏng, cùng với phương thức xuất khẩu theo tuyến đường ống thông thường. Theo đó, công ty Rosneft của Nga đã xuất khẩu lô khí đốt tự nhiên hóa lỏng đầu tiên sang châu Phi vào tháng 5/2016.
Nga đã thực hiện lần xuất khẩu đầu tiên trong lịch sử cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng của mình (LNG) cho Ai Cập, chở dầu Golar Ice đã chở lô đầu tiên tới cảng Ain Sokhna, theo hợp đồng đã ký trong tháng 8/2015 giữa Rosneft Trading SA và Egyptian Natural Gas Holding Company.
Nga và Mỹ hiện đang đẩy mạnh xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG)
Đồng thời, Rosneft cho biết, những thay đổi về cấu trúc trong thị trường LNG toàn cầu mở ra triển vọng lớn cho việc tăng cường tiềm năng của hãng. Hiện Rosneft có hai dự án là “LNG Viễn Đông” (hợp tác với Exxon Mobil) và “Pechora LNG” (cùng với Alltech) và đang thảo luận khả năng cung cấp LNG cho Ấn Độ.
Các chuyên gia nước ngoài và của Nga nhận định rằng, khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ khó có thể chiếm phần lớn thị trường châu Âu không thể thay thế nguồn "nhiên liệu xanh" cung cấp bằng đường ống của Nga, bởi đây là phương thức có giá cạnh tranh nhất.
Ông Martin Anfinsen, Phó Chủ tịch Marketing và thương mại Statoil Top của Na Uy nhận định, giá khí gaz ở Mỹ dự kiến sẽ tăng trong 2017, có nghĩa là sẽ gia tăng chi phí xuất khẩu sang châu Âu.
Các chuyên gia của công ty RBC Capital Markets LLC dự đoán bước nhảy vọt của giá khí đốt của Tập đoàn dầu mỏ và khí đốt Mỹ Henry Hub lên tới 32%. Do đó, dù Mỹ có đưa ra mức giá cạnh tranh đến đâu thì cũng không phải là điều đáng ngại với Nga và Na Uy.
Ông Anfinsen cho biết, do đó, Na Uy vẫn yên tâm với kế hoạch giữ mức xuất khẩu khí đốt kỷ lục trong vài năm tới. Hiện nước này là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ 2 cho châu Âu (sau Nga), với thị phần khoảng 25% (trong khi đó, Liên bang Nga chiếm tới hơn 30%).
Huy Bình- Baodatviet