Bộ trưởng Năng lượng Nga dự đoán, giá dầu sẽ dao động trong khoảng 50 - 60 USD/thùng trong năm nay, vượt giá dầu ước tính trong ngân sách Nga hiện nay.

Theo số liệu vừa được Bộ Năng lượng Nga công bố, nước này đang cắt giảm sản lượng dầu mỏ trong đầu tháng 1/2017 với số lượng khoảng 100.000 thùng/ngày.

Từ 1 - 8/1, sản lượng dầu và khí đốt của Nga đạt trung bình 11,1 triệu thùng/ngày. Số liệu này đã giảm từ mức 11,21 triệu thùng/ngày trong tháng 12 và mức 11,247 triệu thùng/ngày trong tháng 10, điểm bắt đầu thỏa thuận giảm sản lượng với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC.

Nga vẫn hưởng lợi dù thỏa thuận OPEC có đi đến đâu - Hình 1

Nga đã giảm sản lượng dầu lần đầu tiên vào tháng 8 năm ngoái thể hiện quyết tâm tuân thủ cam kết giảm sản lượng .

OPEC sẽ cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày

Bộ trưởng Năng lượng Nga, Alexander Novak cho biết mức mục tiêu sản lượng của Nga là 10,947 triệu thùng/ngày sau thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Ông cũng cho biết rằng Nga có kế hoạch giảm sản lượng dầu mỏ 200.000 thùng/ngày trong quý 1 và sau đó cắt giảm 300.000 thùng/ngày, như đã thỏa thuận với OPEC trong tháng 12/2016.

Theo thỏa thuận  này, OPEC sẽ cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng dầu mỗi ngày tính từ đầu tháng 1/2017. Trong đó, “đầu tàu” Saudi Arabia giảm 486.000 thùng, Iraq cắt giảm 210.000 thùng, Các Tiểu vương quốc Arab Thống Nhất (UAE) cắt giảm 139.000 thùng.

Nga mặc dù không thuộc khối OPEC nhưng cũng sẵn sàng  hòa nhịp vào hành động chung của các quốc gia OPEC và điều này đã giúp đẩy giá dầu lên mức 56,5 USD/thùng, cao hơn nhiều so với mức giá 40 USD/thùng trong kế hoạch ngân sách năm 2017 của Nga.

Vẫn còn nghi ngại về sự hồi phục

Các nhà phân tích cho hay, kể từ khi thỏa thuận của OPEC được thực thi, đã có nhiều biến chuyển tốt. Tuy nhiên thỏa thuận này có đem lại tác dụng thực sự hay không còn phụ thuộc nhiều vào việc thực thi cam kết của các thành viên. Lịch sử cho thấy thành viên OPEC thường phá vỡ cam kết – tiếp tục bơm dầu thay vì cắt giảm như đã hứa – và khiến cho toàn bộ thoả thuận bị đổ bể.

Ngoài ra vẫn còn nhiều yếu tố thị trường khác mà OPEC không thể kiểm soát được. Theo phân tích của Société Générale, việc giảm sản lượng của OPEC sẽ không tác động nhiều đến nguồn cung dầu mỏ năm 2017 do dự trữ dầu mỏ trên toàn thế giới, đặc biệt là Mỹ, vẫn đang ở mức rất cao bởi các nước này đã tận dụng giá dầu rẻ trong suốt 2 năm qua để tích trữ. Điều này sẽ hạn chế những tác động về giá của OPEC.

Hơn nữa, các chuyên gia Oxford Economics cho hay hiện tại nhu cầu dầu thô trên toàn cầu thấp nên việc cắt nguồn cung cũng không thể đẩy giá dầu lên quá cao.

Thêm vào đó, nếu giá dầu tiếp tục tăng cao sẽ tạo động lực cho các nhà khai thác dầu đá phiến tại Mỹ tăng cường sản xuất. Khi những hãng này mở rộng khai thác tăng nguồn cung cấp dầu đá phiến, giá dầu sẽ tự động điều chỉnh xuống mức thấp hơn.

Bởi những điều trên, một số chuyên gia vẫn còn nghi ngờ về sự phục hồi bền vững của giá dầu thô thế giới và cho rằng giá dầu tăng rất có thể chỉ là tạm thời và nếu tăng thì sẽ rất khó trở lại được mức kỷ lục 115 USD/ thùng thiết lập vào mùa hè năm 2014. Hiện các chuyên gia dự báo, giá dầu năm 2017 có thể sẽ không vượt quá được ngưỡng 60 USD/thùng.

Chính Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cũng đã khẳng định điều đó khi đưa ra dự đoán giá dầu sẽ dao động chỉ trong khoảng 50-60 USD/thùng trong năm nay.

Tuy nhiên, điều này vẫn giúp Nga hưởng lợi từ việc giá dầu được đẩy lên cao sẽ giúp ngân sách Nga thu thêm gần 20 tỷ USD bởi ngân sách Nga hiện nay đang được xây dựng dựa trên giá dầu ước tính là 40 USD/thùng.

Minh Châu - Baodatviet