Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh đối kháng trong quan hệ Mỹ-Trung bị đẩy lên cao trào, hai bên bất đồng trong một loạt các vấn đề xuất phát từ cạnh tranh chiến lược. Đây sẽ là lần đầu tiên ông Sullivan có cuộc gặp trực tiếp với ông Dương Khiết Trì kể từ sau đối thoại cấp cao Mỹ-Trung “nảy lửa” ở Alaska (Mỹ) hồi tháng 3 vừa qua theo thể thức 2+2.
Thông cáo của Nhà Trắng cho biết cuộc gặp lần này được khởi động dựa trên đồng thuận tại cuộc điện đàm hôm 9/9 giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình, trong đó hai bên cam kết tiếp tục tìm kiếm các giải pháp nhằm quản lý có trách nhiệm cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn thạo tin ẩn danh cho biết tiếp xúc tại Zurich lần này nhằm mục tiêu “xây dựng lại các kênh tiếp xúc và thực thi đồng thuận giữa ông Tập và ông Biden”.
Đối thoại giữa quan chức hai nước kể từ khi ông Biden lên nhậm chức không mang lại kết quả rõ nét nào trong cải thiện quan hệ song phương. Giới chức Mỹ nhìn nhận cuộc điện đàm mới nhất giữ hai nhà lãnh đạo là bài thử nghiệm để khẳng định can dự thượng đỉnh liệu có đủ sức phá băng quan hệ hay không.
Sau cuộc gặp đó, Nhà Trắng phủ nhận thông tin phát tán trên truyền thông, nói rằng ông Tập đã từ chối lời mời tham dự cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp với ông Biden. Mỹ cũng đã thực thi một loạt các bước đi mới nhằm củng cố quan hệ đồng minh và tạo thế trước Trung Quốc.
Nổi bật là tuyên bố ra đời quan hệ đối tác an ninh ba bên Mỹ-Anh-Australia (AUKUS) hôm 16/9, cùng với đó là kỳ gặp thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo nhóm Bộ tứ (Quad), gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ được tổ chức tại Washington cuối tháng 9 vừa qua.
Theo TTXVN/(Reuters)