Cần tăng cường đổi mới, sáng tạo nhằm cải thiện chất lượng tăng trưởng, đây là chủ đề được tập trung thảo luận tại hội thảo công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức.

Ảnh internet
Năm 2023, Việt Nam cần cải thiện chất lượng tăng trưởng như thế nào? Ảnh internet.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lưu ý: “Các quy định về cơ chế thử nghiệm các mô hình kinh tế mới, thì vấn đề là doanh nghiệp thì muốn mô hình kinh tế mới, nhưng cơ quan quản lý thì sợ rủi ro. Nên vấn đề ở đây là làm sao phải có cơ chế thử nghiệm ở quy mô nhỏ để thử nghiệm những ý tưởng chính sách mới, và trên cơ sở đấy mới có thực tiễn để tổng hợp được. Thì cách tiếp cận với FinTech (tài chính công nghệ) và kinh tế tuần hoàn cần theo hướng đó”.

PGS. TS. Lê Xuân Bá nhấn mạnh, cần đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở đổi mới sáng tạo. Trong đó, đổi mới sáng tạo không chỉ là trong lĩnh vực khoa học – công nghệ, mà phải thể hiện trong mọi ngành và lĩnh vực.

“Theo quan điểm của tôi, đổi mới sáng tạo trong thể chế quan trọng hơn nhiều so với đổi mới sáng tạo trong khoa học công nghệ. Nếu chúng ta có thể chế tốt thì chúng ta sẽ có khoa học công nghệ tốt. Do đó, đổi mới sáng tạo là phải nhấn mạnh đổi mới sáng tạo trong thể chế kinh tế, để làm cơ sở đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực khác. Đổi mới sáng tạo là dám nghĩ, dám làm những cái mới, không theo đường mòn - lối cũ và như vậy phải có cơ chế khuyến khích đổi mới sáng tạo, đồng thời phải có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, vì việc chung”, PGS. TS. Lê Xuân Bá nói.

Báo cáo “Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023” cũng nhấn mạnh lại thông điệp về việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với đổi mới sáng tạo, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động.

Hải Dương (t/h)