Trong báo cáo "Kinhtế Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023", Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, so với các năm trước, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố hơn. 

Theo đó, với khả năng kiểm soát sự lây lan của các biến thể virus corona và các dịch bệnh mới, qua đó tạo điều kiện cho hoạt động kinh tế. Cũng theo CIEM, các nền kinh tế chủ chốt sẽ gia tăng cạnh tranh địa chính trị, xung đột Nga - Ukraine có thể kéo dài, nhưng giữa các nhóm nền kinh tế "cùng chí hướng" có thể sẽ gia tăng hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cũng sẽ tiếp tục tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam 2023.

"Nếu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam có thể tiếp tục cải cách và thúc đẩy các biện pháp tài khóa, tiền tệ giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế", CIEM đánh giá.

Theo CIEM, tăng trưởng kinh tế sẽ phụ thuộc đáng kể vào khả năng đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, gắn với tận dụng cơ hội từ các FTA và xử lý các rủi ro gắn với đối đầu thương mại - công nghệ giữa các siêu cường, xu hướng giảm giá của các đồng tiền ở khu vực so với USD…

Với các yếu tố trên, CIEM dự báo 02 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2023:

- Kịch bản 1: Tăng trưởng GDP 6,47%; Lạm phát bình quân 4,08%; Tăng trưởng xuất khẩu 7,21%; Thặng dư thương mại 5,64 tỷ USD

- Kịch bản 2: Tăng trưởng GDP 6,83%; Lạm phát bình quân 3,69%; Tăng trưởng xuất khẩu 8,43%; Thặng dư thương mại 8,15 tỷ USD

Theo kịch bản 1, mức tăng trưởng kinh tế xấp xỉ với chỉ tiêu năm 2023 mà Chính phủ xác định, là 6,5%.

"Nếu tiếp tục cải cách nhanh, tăng năng suất, kịch bản 2 có thể là mục tiêu đạt được", ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) nói trong Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng 2023.

Hôm qua, theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu tháng 1, Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá dù còn nhiều thách thức song năm nay Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Mức tăng trưởng GDP dự báo năm 2023 đạt 6,3% giúp Việt Nam đứng vị trí thứ 2 về tốc độ tăng trưởng kinh tế khu vực. Theo sau là Philippines, Mông Cổ, Campuchia, Trung Quốc…

"Chúng tôi dựa vào những động lực chính, giúp duy trì đà tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay gồm sức tiêu dùng nội địa rất mạnh. Nên nhớ rằng đây là yếu tố giúp sản xuất kinh doanh trong nước được duy trì, hàng hoá được lưu chuyển, tạo ra dòng tiền ổn định trong nền kinh tế trong bối cảnh sức tiêu thụ bên ngoài thấp do tác động của lạm phát, sức cầu bị tác động lớn", bà Dorsati Madani - chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định.

Trúc Mai (t/h)