Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Tiến sĩ Bùi Phương Đình, Viện trưởng Viện Xã hội học và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên đồng chủ trì hội thảo.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Chuyển đổi số (CĐS) là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược và yêu cầu bắt buộc trong phát triển kinh tế, cải thiện các dịch vụ phục vụ người dân. Và y tế là một trong các lĩnh vực có tác động xã hội lớn, liên quan mật thiết tới cuộc sống người dân, cần ưu tiên thực hiện.
Kết quả khảo sát tại Lạng Sơn cho thấy, CĐS trong lĩnh vực y tế đã chứng minh được tính hiệu quả, hữu ích góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trên địa bàn, giúp người dân được thụ hưởng dịch vụ tối ưu, giảm đáng kể thời gian chờ đợi, chi phí. Tuy nhiên, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân và thanh toán không dùng tiền mặt. Việc nghiên cứu CĐS trong lĩnh vực y tế tại tỉnh góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc không chỉ cho Lạng Sơn mà có tính tham khảo với các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội tương đồng.
Theo báo cáo, công tác CĐS trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đạt một số kết quả tích cực. Thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, UBND tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch thực hiện theo giai đoạn và từng năm với 4 nhóm chỉ tiêu, trong đó CĐS trong công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe Nhân dân được đặc biệt quan tâm với 9 chỉ tiêu cụ thể.
Kết quả, đến nay, 100% cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh sử dụng phần mềm quản lý thông tin bệnh viện; 100% cơ sở khám chữa bệnh thực hiện khám chữa bệnh bằng căn cước công dân có gắn chíp và ứng dụng VNeID. 100% cơ sở khám chữa bệnh triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; 99,6% người dân trên địa bàn tỉnh có hồ sơ sức khỏe điện tử; 70% dân số cài đặt Sổ sức khỏe điện tử…
Tại hội thảo, các đại biểu đã phát biểu tham luận, thảo luận tập trung các nội dung như: Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2023; thực trạng chuyển đổi số về y tế của tỉnh, quá trình triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn tỉnh; hiệu quả và lợi ích khi thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt.
Các đại biểu cũng kiến nghị tỉnh Lạng Sơn tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác CĐS, trong đó ưu tiên lĩnh vực an sinh xã hội, phúc lợi xã hội như: y tế, giáo dục, lao động; bổ sung nhân lực có chuyên môn, chế độ chính sách cho công tác CĐS...
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên khẳng định hội thảo là cơ sở quan trọng để tiếp tục phát triển, đổi mới trong việc CĐS ngành Y tế, nâng cao chất lượng quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên yêu cầu Sở Y tế Lạng Sơn tiếp tục tham mưu triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ về CĐS trong ngành, trong đó tập trung triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Y tế; từng bước số hóa hồ sơ bệnh án; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Khám chữa bệnh từ xa”, triển khai sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNelD tại cơ sở y tế, bảo đảm an toàn, an ninh mạng đối với các dữ liệu y tế...
Các sở, ngành tiếp tục tham mưu nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp công nghệ liên quan đến công tác CĐS trên địa bàn tỉnh, nhất là CĐS lĩnh vực y tế. UBND cấp huyện tiếp tục tuyên truyền về công tác CĐS nói chung và chuyển đổi số lĩnh vực y tế nói riêng đến toàn thể nhân dân về lợi ích và cách thức tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Triệu Thành