1. Phê duyệt bản vẽ thiết kế dùng cho thi công xây dựng phải có những nội dung nào?
Căn cứ Điều 40 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, việc phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của chủ đầu tư được thể hiện tại quyết định phê duyệt, gồm các nội dung chủ yếu như sau:
(i) Người phê duyệt.
(ii) Tên công trình hoặc bộ phận công trình.
(iii) Tên dự án.
(iv) Loại, cấp công trình.
(v) Địa điểm xây dựng.
(vi) Nhà thầu lập báo cáo khảo sát xây dựng.
(vii) Nhà thầu lập thiết kế xây dựng.
(viii) Đơn vị thẩm tra thiết kế xây dựng.
(ix) Quy mô, chỉ tiêu kỹ thuật; các giải pháp thiết kế nhằm sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm tài nguyên (nếu có).
(x) Thời hạn sử dụng theo thiết kế của công trình.
(xi) Giá trị dự toán xây dựng theo từng khoản mục chi phí.
(xii) Các nội dung khác.
Theo đó, người được giao phê duyệt thiết kế xây dựng đóng dấu, ký xác nhận trực tiếp vào hồ sơ thiết kế xây dựng được phê duyệt (gồm thuyết minh và bản vẽ thiết kế). Mẫu dấu phê duyệt thiết kế xây dựng quy định tại Mẫu số 08 Phụ lục I Nghị định 15/2021/NĐ-CP.
Tổng hợp File word các hợp đồng mẫu trong Kinh doanh bất động sản mới nhất |
Phê duyệt bản vẽ thiết kế dùng cho thi công xây dựng phải có những nội dung nào (Ảnh minh họa – Nguồn từ Internet)
2. Quy dịnh về việc quản lý công tác thiết kế xây dựng
Căn cứ Điều 34 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, việc quản lý công tác thiết kế xây dựng được quy định như sau:
(i) Nhà thầu thiết kế xây dựng chịu trách nhiệm về chất lượng thiết kế xây dựng do mình thực hiện; việc thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng của cá nhân, tổ chức, chủ đầu tư, người quyết định đầu tư hoặc cơ quan chuyên môn về xây dựng không thay thế và không làm giảm trách nhiệm của nhà thầu thiết kế xây dựng về chất lượng thiết kế xây dựng do mình thực hiện.
(ii) Trường hợp nhà thầu thiết kế xây dựng làm tổng thầu thiết kế thì nhà thầu này phải đảm nhận những công việc thiết kế chủ yếu của công trình và chịu trách nhiệm toàn bộ về việc thực hiện hợp đồng với bên giao thầu. Nhà thầu thiết kế phụ chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng thiết kế xây dựng trước tổng thầu và trước pháp luật đối với phần việc do mình đảm nhận.
(iii) Trong quá trình thiết kế xây dựng công trình thuộc dự án quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, nhà thầu thiết kế xây dựng có quyền đề xuất với chủ đầu tư thực hiện các thí nghiệm, thử nghiệm mô phỏng để kiểm tra, tính toán khả năng làm việc của công trình nhằm hoàn thiện thiết kế xây dựng, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật và an toàn công trình.
(iv) Sau khi hồ sơ thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt theo quy định, chủ đầu tư kiểm tra khối lượng công việc đã thực hiện, sự phù hợp về quy cách, số lượng hồ sơ thiết kế xây dựng so với quy định của hợp đồng xây dựng và thông báo chấp thuận nghiệm thu hồ sơ thiết kế xây dựng bằng văn bản đến nhà thầu thiết kế xây dựng nếu đạt yêu cầu.
3. Nhiệm vụ thiết kế xây dựng
Căn cứ Điều 32 Nghị định 15/2021/NĐ-CP, nhiệm vụ thiết kế xây dựng được quy định như sau:
(i) Chủ đầu tư lập hoặc thuê tổ chức, cá nhân có năng lực phù hợp lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng.
(ii) Nhiệm vụ thiết kế xây dựng phải phù hợp với chủ trương đầu tư và là căn cứ để lập dự án đầu tư xây dựng, lập thiết kế xây dựng. Chủ đầu tư có thể thuê tổ chức tư vấn, chuyên gia góp ý hoặc thẩm tra nhiệm vụ thiết kế khi cần thiết.
(iii) Nội dung chính của nhiệm vụ thiết kế xây dựng bao gồm:
- Các căn cứ để lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng.
- Mục tiêu xây dựng công trình.
- Địa điểm xây dựng công trình.
- Các yêu cầu về quy hoạch, cảnh quan và kiến trúc của công trình.
- Các yêu cầu về quy mô và thời hạn sử dụng công trình, công năng sử dụng và các yêu cầu kỹ thuật khác đối với công trình.
(iv) Nhiệm vụ thiết kế xây dựng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế để đảm bảo hiệu quả dự án đầu tư xây dựng công trình.
N. H. Thủy (Nguồn: https://thuvienphapluat.vn/)