Cụ thể, báo cáo riêng cho thấy, trong quý IV/2024, Tổng công ty đạt doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 2.558 tỷ đồng; lũy kế cả năm đạt 7.887 tỷ đồng, tăng 356 tỷ đồng so với năm 2022, lợi nhuận sau thuế quý IV đạt xấp xỉ 60 tỷ đồng, lũy kế cả năm đạt 185 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dòng tiền năm 2023 của doanh nghiệp được cải thiện rõ nét. Trong đó, lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh dương 1.369 tỷ đồng và dòng tiền hoạt động đầu tư dương 2.087 tỷ đồng. Đặc biệt, khoản mục tiền và tương đương tiền cuối kỳ đạt 1.699 tỷ đồng, tăng 750 tỷ đồng so với đầu năm. Hệ số đòn bẩy tài chính của Vinaconex cuối năm 2023 đang giảm xuống ở mức 1,6 lần trong khi năm 2022 hệ số này đang ở mức 2,2.
Theo Báo cáo hợp nhất, doanh thu quý IV/2024 trên toàn hệ thống đạt 3.789 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế cả năm, doanh thu hợp nhất toàn Tổng công ty đạt 12.704 tỷ đồng, tăng mạnh so với 8.452 tỷ đồng doanh thu của năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế quý IV/2023 đạt 131 tỷ đồng, lũy kế cả năm đạt 336 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2023, tiền và tương đương tiền toàn Tổng công ty đạt 2.282 tỷ đồng, tăng 572 tỷ đồng so với đầu kỳ, lợi nhuận chưa phân phối còn 1.563 tỷ đồng. Hàng tồn kho cuối kỳ đạt 6.328 tỷ đồng, giảm hơn 787 tỷ đồng so với đầu năm.
Tính đến cuối kỳ, vốn chủ sở hữu của Tổng công ty đạt 10.182 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, có 47,1% doanh nghiệp trong ngành đề nghị được hỗ trợ hoàn thiện thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay; 45,7% doanh nghiệp đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu. Đáng chú ý, có 23,3% doanh nghiệp xây dựng đề nghị phải có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để doanh nghiệp xây dựng quay vòng vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Mặc dù đến cuối năm 2023 mặt bằng lãi suất huy động đã giảm, nhưng lãi suất cho vay trong năm 2023 vẫn đang ở mức cao so với năm 2022. Đặc biệt, giai đoạn 9 tháng đầu năm 2023, lãi suất đi vay ngân hàng có lúc cao gấp gần 1,5 lần so với bình quân cả năm 2022, dẫn đến chi phí tài chính của doanh nghiệp trong cả năm 2023 tăng cao. Thị trường bất động sản đóng băng khiến các chủ đầu tư lớn gặp khó khăn về tài chính, làm ảnh hưởng lớn tới dòng tiền của các dự án. Bên cạnh đó, chi phí nhân công, vật liệu đầu vào tiếp tục tăng, trong khi các hợp đồng đã ký với chủ đầu tư trước đó đều có đơn giá cố định, khiến hiệu quả kinh tế các dự án bị sụt giảm đáng kể so với phương án kinh doanh ban đầu.
Những số liệu thống kê trên cho thấy, các doanh nghiệp ngành xây lắp khó khăn về nguồn vốn, bị nợ xấu và chiếm dụng vốn, nên đa số không hoàn thành kế hoạch kinh doanh trong năm 2023.
So với cùng kỳ năm trước, kết quả kinh doanh trong quý IV/2023 của Vinaconex có mức tăng trưởng mạnh. Kết quả này đang được kỳ vọng là tín hiệu tích cực sẽ tiếp tục được Tổng công ty phát huy trong thời gian tới, đặc biệt khi doanh nghiệp đang tập trung mạnh mẽ vào các dự án hạ tầng có vốn đầu tư công.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tính tỷ lệ giải ngân đầu tư công đến cuối tháng 12/2023 đạt 73,5% tổng kế hoạch năm (704.000 tỷ đồng) tương ứng hơn 517.000 tỷ đồng. Năm ngân sách 2023 sẽ kết thúc vào 31/01/2024, như vậy so với kế hoạch, số vốn cần phải giải ngân trong tháng 01/2024 ước khoảng 186.560 tỷ đồng. Do đó tháng 01/2024 là cao điểm giải ngân của năm.
Chính phủ cũng đã trình kế hoạch dự chi ngân sách cho đầu tư năm 2024. Trong đó, dự toán chi đầu tư phát triển là 677.300 tỷ đồng, tăng 108.000 tỷ đồng so với dự toán năm 2023.
Cùng với việc tăng tốc thực hiện dự án đầu tư công, giá trị trúng thầu của các doanh nghiệp niêm yết trong ngành xây lắp như Vinaconex tiếp tục tăng mạnh.
Phân khúc xây lắp được dự báo tiếp tục chiếm phần lớn tăng trưởng của Vinaconex và chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu trong thời gian tới, trong đó chủ yếu là các dự án cơ sở hạ tầng, hạ tầng giao thông.
Hà Trần(t/h)