Theo quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong số 9 hành lang vận tải thuỷ của cả nước, tỉnh Nam Định nằm trong hành lang vận tải thuỷ Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình với khối lượng vận tải khoảng 27,8 - 30,1 triệu tấn.
Về các tuyến vận tải thuỷ chính, Nam Định còn có lợi thế nằm trong tuyến hành lang đường thủy số 3 Hà Nội - Lạch Giang với tổng chiều dài 196 km; trong đó tuyến từ cửa Lạch Giang đến kênh nối Đáy - Ninh Cơ dài 19 km được quy hoạch cấp đặc biệt, tuyến từ kênh nối Đáy - Ninh Cơ đến Cảng Hà Nội dài 177 km được quy hoạch cấp I.
Để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh ta đã nỗ lực huy động nguồn lực đầu tư cải thiện, nâng cấp hạ tầng đường thủy theo hướng đồng bộ, tận dụng, khai thác những lợi thế của vận tải biển.
Tàu vận tải thủy đi qua Kênh và Âu tàu Nghĩa Hưng
Trong 10 năm qua, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã dành nhiều nguồn lực, đầu tư 2 công trình trọng điểm về đường thủy tại địa bàn tỉnh với kỳ vọng đưa kinh tế biển tại khu vực Nam Định nói riêng và vùng kinh tế đồng bằng Bắc Bộ khởi sắc. Từ năm 2014, Bộ GTVT đã đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) để thi công Cụm công trình luồng qua cửa sông Ninh Cơ (cửa Lạch Giang) và các công trình bảo vệ thuộc Dự án Phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ (dự án WB6).
Sau khi tuyến luồng hoàn thành, đưa vào khai thác tháng 7/2016, đã chấm dứt được tình trạng diễn biến phức tạp của cửa sông này như thường xuyên thay đổi, bồi đắp luồng tàu qua cửa sông, qua đó tạo thuận lợi cho các tàu có trọng tải 3.000DWT ra, vào bến cảng biển và các cảng, bến thuỷ nội địa trong tỉnh cùng các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Ngoài ra, công trình trên cũng góp phần phát triển hoạt động hàng hải tại khu vực và là cửa ngõ giao thông quan trọng, giúp các tàu sông pha biển (tàu SB) có thể vào sâu trong đất liền, giảm gánh nặng cho đường bộ, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển bền vững khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng. Thống kê của Cục Hàng hải cho thấy, công trình luồng qua cửa Lạch Giang - sông Ninh Cơ sau hoàn thành đưa vào sử dụng, lượt tàu ra, vào cảng biển Nam Định tăng trưởng mạnh.
Cùng với đó, để tiếp nối và phát huy tối đa hiệu quả dự án WB6 đầu tư hạ tầng đường thủy, kết nối vận tải thủy nội địa thuộc 14 tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng Bắc Bộ với vận tải ven biển, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội, giảm gánh nặng cho đường bộ, cuối năm 2020, Bộ GTVT đã khởi công xây dựng Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ thuộc địa phận các xã Nghĩa Lạc, Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng).
Với tổng mức đầu tư 107,19 triệu USD, đây là âu thuyền lớn nhất được xây dựng tại Việt Nam hiện nay. Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ với 3 hạng mục gồm kênh nối giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ tại vị trí khoảng cách giữa hai sông ngắn nhất, chỉ khoảng 1 km, thuộc địa bàn xã Nghĩa Sơn và xã Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng).
Âu tàu Nghĩa Hưng dài 179 m được đầu tư 12 cụm neo âu tàu cố định, 2 khu chờ tàu được thiết kế để tàu chở hàng trọng tải đến 3.000 tấn lưu thông từ biển, qua cửa Lạch Giang vào sông Ninh Cơ, sang sông Đáy và ngược lại một cách thuận tiện, không phụ thuộc vào dòng nước. Từ đó, các tàu sẽ đi sâu vào Cảng thuỷ Ninh Phúc (Ninh Bình) - cảng đường thủy lớn nhất ở miền Bắc và là một trong những cửa khẩu quốc tế đường biển; giúp rút ngắn 20% thời gian hành trình phương tiện thủy từ các tỉnh ven biển đến Cảng thủy Ninh Phúc và ngược lại, góp phần cải thiện chi phí vận tải thủy.
Trong bối cảnh tỉnh Nam Định đang đón làn sóng đầu tư mới với hàng loạt doanh nghiệp, dự án lớn, dự báo sản lượng hàng hoá vận chuyển trong giai đoạn ngắn hạn sắp tới sẽ tăng nhanh, đây là cơ hội phát triển dịch vụ vận tải, nhất là vận tải biển.
Tỉnh dự báo nhu cầu vận tải hàng hóa theo phương thức vận tải đường biển đến năm 2030 ước đạt 16 triệu tấn/năm; tầm nhìn đến 2050 khối lượng hàng hóa thông qua cảng, bến thủy nội địa ước đạt 140 triệu tấn/năm. Dự báo, phát triển phương tiện giao thông đường thủy nội địa tăng khoảng 9 - 12% mỗi năm.
Vì vậy, để phục vụ nhu cầu xuất khẩu các mặt hàng sản xuất trên địa bàn tỉnh; đồng thời thu hút các luồng hàng hóa thông qua Nam Định và ngược lại thời gian gần đây, tỉnh ngày càng hoàn thiện hơn công tác quy hoạch và đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ, thúc đẩy hoạt động vận tải biển phát triển.
Hiện tỉnh Nam Định đã được Bộ GTVT chấp thuận bổ sung quy hoạch 1 bến cảng hàng lỏng phục vụ dự án đầu tư kho xăng dầu quy mô 79.000 m3 tại thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) vào Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 1 theo Văn bản số 1635/BGTVT-KHĐT ngày 21/2/2023, do Tập đoàn Trường An làm chủ đầu tư.
Mới đây, tỉnh cũng đã đề nghị Bộ GTVT bổ sung bến cảng chuyên dùng Xuân Thiện vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đề xuất, quy mô cảng đến năm 2030, đáp ứng lượng hàng thông qua từ 42,6 đến 48,1 triệu tấn. Địa điểm xây dựng cảng tại khu vực bờ biển huyện Nghĩa Hưng, có vị trí không gian từ cửa Lạch Giang đến cửa Đáy thuộc vùng nước cảng biển Nam Định.
Tàu thuyền neo đậu tại Khu tránh trú bão cửa Ninh Cơ (Nghĩa Hưng)
Giai đoạn sau năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, tỉnh dự kiến tiếp tục hiện đại hóa các cảng chính hiện có, cảng đầu mối, cảng chuyên dùng, nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa bốc xếp đối với các cảng.
Không chỉ đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng hệ thống bến cảng, thiết bị xếp dỡ quy mô để tiếp nhận tàu biển có trọng tải lớn ra, vào cảng biển, tỉnh cũng đã quy hoạch đồng bộ vùng kinh tế biển, ven biển; đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vùng biển và logistics; đồng thời, chú trọng phát triển kinh tế biển theo đặc thù của tỉnh dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ mới, công nghệ sáng tạo để nâng cao giá trị kinh tế, gia tăng sản lượng, nguồn hàng hoá xuất nhập khẩu thông qua cảng biển...
Với những chuyển động tích cực kể trên, dịch vụ vận tải biển của tỉnh Nam Định đang đứng trước cơ hội phát triển lớn mạnh, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng kinh tế biển.
Ngoài 2 dự án trọng điểm trên, về lộ trình dài hơi, giai đoạn đến năm 2030, tỉnh Nam Định tiếp tục thu hút đầu tư, phát triển đồng bộ bến cảng và luồng vào cảng, tiếp nhận tàu trọng tải lớn, các tàu container thế hệ mới, xây dựng các cảng chuyên dùng, các cảng hành khách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, dự kiến xây dựng cảng tổng hợp mới ở khu vực Hải Thịnh, Nghĩa Hưng, phục vụ Khu kinh tế Ninh Cơ.
Tỉnh Nam Định tiếp tục khai thác có hiệu quả Cảng biển Hải Thịnh, đây là cảng biển đã hình thành tại cửa sông Ninh Cơ với 2 cầu tàu dài 200 m, 1 nhà kho kín 900 m2 và bãi xếp dỡ 5,5 ha đảm bảo cho tàu 400 - 2.000 tấn cập bến xếp dỡ hàng hóa; năng lực thông qua cảng 3 triệu tấn/năm. Theo lộ trình phát triển, tỉnh sẽ nâng cấp khu bến Hải Thịnh (bao gồm các bến cảng Hải Thịnh, Thịnh Long) thành cảng biển thương mại tổng hợp địa phương (loại II) khai thác với cỡ tàu từ 1.000 - 3.000 tấn với năng lực hàng hóa thông qua dự kiến vào năm 2030 đạt khoảng 6,25 triệu tấn/năm.
Đầu tư bến cảng chuyên dụng cho Nhà máy nhiệt điện Nam Định 1 bảo đảm cho tàu từ 1.000 đến 2.000 tấn cập bến xếp dỡ hàng hóa, năng lực thông qua (chủ yếu là hàng than) đến 2030, đạt 5,0 triệu tấn/năm.
Theo Báo Nam Định