Truy xuất nguồn gốc sản phẩm ngày càng phổ biến và có ý nghĩa quan trọng. Đây cũng là tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu, hội nhập kinh tế thế giới. Trước yêu cầu thực tiễn, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được sự hỗ trợ Sở Khoa học và Công nghệ, Liên minh HTX tỉnh đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ nhằm công khai, minh bạch toàn bộ quy trình sản xuất, giúp nâng cao uy tín sản phẩm, đồng thời tạo ra giá trị mới cho hàng hóa.

Phát huy tiềm năng, lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, nhiều HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu tại thành phố Tam Điệp đã nhân rộng mô hình phát triển cây dược liệu, với các loại cây trồng cho các sản phẩm chất lượng và giá trị kinh tế cao như: Dầu tràm, dầu bạc hà, tinh bột nghệ… theo chuỗi giá trị, mở ra hướng làm giàu cho các thành viên của HTX.

HTX Sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn (Tam Điệp, Ninh Bình) đã đầu tư hạ tầng và mở rộng vùng nguyên liệu. Từ sản phẩm tinh bột nghệ đầu tiên, đến nay HTX sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn đã sản xuất ra gần 10 sản phẩm khác nhau, trong đó sản phẩm tinh bột nghệ vàng đã đạt chứng nhận OCOP (mỗi xã một sản phẩm) 3 sao, và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứng nhận đạt danh hiệu thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2022; sản phẩm viên tinh bột nghệ vàng tẩm mật ong được chứng nhận OCOP 4 sao.

Năm 2022, với sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh, đơn vị đã sử dụng, ứng dụng truy xuất nguồn gốc nông sản NBC - Trace của Trung tâm Mã số mã vạch vận hành, triển khai. Với ứng dụng này, tất cả các công đoạn từ ươm giống, chăm sóc, vun xới, bón phân, thu hoạch, bảo quản đều được cập nhật trên hệ thống theo thời gian thực. Thông qua một mã QR gắn trên sản phẩm, người tiêu dùng có thể biết được toàn bộ quy trình sản xuất.

Cán bộ Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia thực hiện chuyển giao, hướng dẫn áp dụng và vận hành, khai thác phần mềm phục vụ truy xuất nguồn gốc cho đại diện HTX Sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn
Cán bộ Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia thực hiện chuyển giao, hướng dẫn áp dụng và vận hành, khai thác phần mềm phục vụ truy xuất nguồn gốc cho đại diện HTX Sản xuất và tiêu thụ dược liệu Yên Sơn.

Ông Lê Ngọc Trinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX cho biết: Nhờ ứng dụng truy xuất nguồn gốc đã khẳng định được uy tín, tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm, đồng thời góp phần ngăn chặn hành vi gian lận thương mại. Do quy trình canh tác của các vụ sản xuất đều được cập nhật đầy đủ và lưu trữ dữ liệu trên ứng dụng, nên dễ dàng đánh giá lại tính hiệu quả ở từng công đoạn, từ đó có thể điều chỉnh phương thức sản xuất phù hợp trong các vụ sau nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Toàn Thắng - Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Ninh Bình, hiện nay, hoạt động truy xuất nguồn gốc cũng đã được triển khai ở một số HTX trong tỉnh, nhất là các đơn vị ngành hàng nông sản. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin của không ít xã viên, nhất là những người trung, cao tuổi vẫn ở mức độ nhất định. Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp, khi thực hiện các hoạt động số hóa chuỗi cung ứng cũng như thực hiện theo đúng quy định còn liên quan đến nhân lực và cơ sở vật chất. Đối với các doanh nghiệp tại Ninh Bình, đa phần là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, quy mô nhân sự chỉ khoảng trên dưới chục người, do vậy việc áp dụng số hóa trong từng công đoạn công việc cũng là một khó khăn.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Ninh Bình
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Phó Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Ninh Bình.

“Ngoài ra, thực tế cho thấy những gì chưa bắt buộc thì nhiều doanh nghiệp cũng chưa mạnh dạn đầu tư. Do đó việc cân nhắc về lợi nhuận thu được so với chi phí bỏ ra cũng khiến cho việc thực hiện các hoạt động này còn dè dặt, cộng thêm tâm lý ngại thay đổi dẫn đến việc truy xuất nguồn gốc còn khó khăn trong triển khai”, ông Thắng bày tỏ.

Để đẩy mạnh hoạt động này, ông Thắng cho cũng cho biết, Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 08/KH-UBND thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh Ninh Bình”. Trong đó, tập trung vào nhóm giải pháp thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức đối với các đối tượng liên quan. Hàng năm phối hợp với Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia thực hiện các hoạt động tập huấn, đào tạo nâng cao nhận thức về TXNG. Bên cạnh đó, xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng triển khai truy xuất nguồn gốc. Đến nay, Sở KH&CN đã tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết triển khai hỗ trợ về hoạt động truy xuất nguồn gốc và trong năm 2022, Sở KH&CN đã triển khai hai nhiệm vụ Xây dựng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cơm cháy và một số sản phẩm thảo dược của tỉnh Ninh Bình.

Đề cập đến tầm quan trọng của truy xuất nguồn gốc, ông Thắng nhận định, truy xuất nguồn gốc được coi là “chìa khóa” khởi tạo niềm tin cho người tiêu dùng và trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu nông sản ra thị trường nước ngoài. Việc nhiều HTX coi trọng và sử dụng các ứng dụng truy suất nguồn gốc đã cho thấy rõ một sự thay đổi trong tư duy, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Sự thay đổi đó đang giúp nâng cao giá trị nông sản, tạo ra giá trị mới cho đơn vị sản xuất, đồng thời dần hình thành những nông dân số và một hệ sinh thái nông nghiệp số.

Để triển khai hai nhiệm vụ xây dựng mô hình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cơm cháy và một số sản phẩm thảo dược của tỉnh Ninh Bình, Sở KH&CN tỉnh Ninh Bình phối hợp với Trung tâm Mã số, mã vạch Quốc gia tiến hành lựa chọn, khảo sát hiện trạng và nhu cầu áp dụng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm thảo dược; Tập huấn nhận thức về truy xuất nguồn gốc cho các HTX tham gia mô hình và các đối tượng liên quan, các cơ quan quản lý trên địa bàn; Đến nay, đã thực hiện chuyển giao, hướng dẫn áp dụng và vận hành, khai thác phần mềm phục vụ truy xuất nguồn gốc cho một số doanh nghiệp và hợp tác xã - chủ thể của các sản phẩm thảo dược tại Ninh Bình.

Minh Anh