Nâng cao nhận thức về xây dựng thương hiệu

PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh – chuyên gia quản trị thương hiệu cho biết: “Đến nay nhiều tập đoàn và doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu, coi thương hiệu như chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam thấy được giá trị thương hiệu quốc gia trong mối tương quan với thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp đều có cách thức xây dựng thương hiệu khác nhau tùy thuộc vào đặc thù nguồn lực của mình, đặc điểm sản phẩm và thị trường cung ứng cũng như các biến động từ môi trường và hoạt động của các đối thủ cạnh tranh”.

Điều hành một công ty cung cấp thực phẩm bảo vệ sức khỏe, ông Nguyễn Thành Dương, Giám đốc Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn Kohinoor Star chia sẻ: “Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, xây dựng thương hiệu mạnh chính là xây dựng niềm tin trong tâm trí khách hàng, là cách để doanh nghiệp không phải "chạy theo" thị trường mà khiến thị trường tìm đến mình.

“Chúng tôi hiểu rằng, một thương hiệu uy tín giúp chúng tôi: Gia tăng giá trị sản phẩm/dịch vụ mà không chỉ phụ thuộc vào giá cả; tạo lòng trung thành từ khách hàng, mở rộng cộng đồng người ủng hộ lâu dài; thu hút nhân sự giỏi, đối tác chiến lược và cả nhà đầu tư tin tưởng; quan trọng nhất, nó mang lại cho doanh nghiệp sức đề kháng mạnh mẽ trước biến động thị trường”.

“Thương hiệu là sự cam kết, là lời hứa của doanh nghiệp với khách hàng. Khi doanh nghiệp sống đúng với giá trị thương hiệu mình xây dựng, sự phát triển bền vững là kết quả tất yếu”, ông Dương khẳng định.

Còn đối với bà Hoàng Khánh Ly - Trưởng Phòng Truyền Thông - Phó Ban Văn Hóa Đồng Phục Hải Anh - Thuộc Hải Anh Group, cho rằng: “Chúng tôi hiểu rõ tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Tại Hải Anh, chúng tôi xây dựng thương hiệu Đồng Phục Hải Anh từ gốc rễ văn hóa, hướng đến một thương hiệu đem lại nhiều giá trị tốt đẹp cho xã hội thông qua sản phẩm, dịch vụ và con người Hải Anh. Hải Anh tập trung nuôi dưỡng một môi trường làm việc chuyên nghiệp, đề cao giá trị cốt lõi Chân Thành - Kỷ Luật - Trách Nhiệm - Quyết Liệt - Sáng Tạo. Chính đội ngũ nhân sự tin tưởng, gắn kết và sống theo văn hóa chung là những đại sứ thương hiệu hiệu quả nhất”.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng hiểu rằng, xây dựng thương hiệu đòi hỏi sự bền bỉ, liên tục không ngừng nghỉ và phải luôn đổi mới; xây dựng thương hiệu phải gắn chặt với quản trị thương hiệu. Cùng với đó, phải đáp ứng mọi yêu cầu chất lượng, giá cả và thỏa mãn thị hiếu đa dạng, ngày càng khắt khe, tôn trọng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp đòi hỏi sự bền bỉ, liên tục không ngừng nghỉ (Ảnh minh họa)
Xây dựng thương hiệu doanh nghiệp đòi hỏi sự bền bỉ, liên tục không ngừng nghỉ (Ảnh minh họa)

Không nản lòng trước khó khăn

Trong hành trình xây dựng thương hiệu bền bỉ và nỗ lực, các doanh nghiệp cũng gặp không ít những khó khăn.

Đối với một công ty có hơn 23 năm xây dựng và phát triển trên thị trường về linh vực đá nhân tạo cao cấp ốp bề mặt nội thất như Công ty Cổ phần Vicostone (thuộc Tập đoàn Phenikaa), chinh phục các thị trường “khó tính” như Mỹ, Canada hay châu Âu, lan tỏa những giá trị khác biệt: từ công nghệ, trí tuệ người Việt đến tinh thần sáng tạo và cảm hứng sống bền vững tới khách hàng và nhà thiết kế khắp năm châu, việc xây dựng thương hiệu cũng gặp muôn vàn thách thức.

Chia sẻ với phóng viên, bà Lê Thị Minh Thảo – Tổng giám đốc Tập đoàn Phenikaa nói: “Trong hành trình xây dựng thương hiệu Vicostone, khó khăn lớn nhất không nằm ở thị trường hay đối thủ, mà chính là làm sao để định vị được bản sắc riêng và giữ vững sự khác biệt đó một cách bền vững qua thời gian. Thời điểm đầu, Vicostone phải đối mặt với nhiều thách thức: từ việc chuyển giao và làm chủ công nghệ phức tạp như Breton (Ý), đến việc chắt lọc tư duy thiết kế để tạo ra sản phẩm “không trùng lặp” đối thủ khó sao chép và bắt chước. Việc xây dựng thương hiệu tại thị trường quốc tế nơi tiêu chuẩn cực kỳ khắt khe về chất lượng, môi trường, sức khỏe cũng đòi hỏi Vicostone không được phép có sai sót”.

Vicostone phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình xây dựng thương hiệu
Vicostone phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình xây dựng thương hiệu

Nói về những khó khăn, ông Nguyễn Thành Dương bày tỏ: "Thực tế, xây dựng thương hiệu không hề dễ, và càng muốn đi đường dài, càng phải vượt qua nhiều thử thách. Với doanh nghiệp của tôi, có 3 khó khăn lớn nhất.

Thứ nhất, khó khăn trong việc định vị thương hiệu rõ ràng từ đầu, thị trường có quá nhiều đối thủ, khách hàng thì bị "bội thực" thông tin. Thách thức là làm sao để thương hiệu mình có một “chất riêng” – dễ nhớ, đúng định hướng, và gắn kết với đúng nhóm khách hàng mục tiêu. Doanh nghiệp phải mất khá nhiều thời gian, thử – sai – điều chỉnh mới xác định được định vị thương hiệu rõ ràng, khác biệt.

Thứ hai là nguồn lực hạn chế, việc xây dựng thương hiệu bài bản đòi hỏi đầu tư lâu dài, chiến lược bài bản từ hình ảnh, truyền thông, đội ngũ đến trải nghiệm khách hàng. Với một doanh nghiệp không phải vốn lớn, việc cân đối giữa chi phí vận hành và đầu tư thương hiệu là một bài toán không dễ.

Thứ ba, xây dựng thương hiệu từ bên trong nội bộ. Thương hiệu không chỉ là “vỏ ngoài,” mà phải đến từ văn hóa doanh nghiệp, từ cách nhân viên sống và làm việc mỗi ngày. Để toàn bộ đội ngũ hiểu – tin – và hành động đồng nhất theo giá trị thương hiệu, đó là một hành trình đầy thách thức, cần rất nhiều sự kiên trì và lãnh đạo bằng hành động.

Còn đối với doanh nghiệp sản xuất đồng phục như Công ty Đồng Phục Hải Anh, bà Hoàng Khánh Ly nêu: “Thách thức lớn nhất chính là đảm bảo sự đồng nhất và thấm nhuần văn hóa doanh nghiệp trong toàn bộ tổ chức, từ lãnh đạo đến nhân viên, nhất là khi nhân viên trong công ty có sự đa dạng về độ tuổi, năng lực chuyên môn, cũng như đang phát triển quy mô. Việc biến những giá trị văn hóa thành hành động cụ thể, thành trải nghiệm thực tế cho cả nhân viên và khách hàng đòi hỏi nỗ lực và cam kết liên tục từ toàn hệ thống”.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều kiên định với yếu tố cốt lõi trong xây dựng thương hiệu doanh nghiệp.

Bà Lê Thị Minh Thảo nói: “Yếu tố cốt lõi để xây dựng thương hiệu Vicostone nằm ở sự kiên định với chiến lược khác biệt hóa sản phẩm và phát triển bền vững. Công nghệ hiện đại là điều mang lại một sản phẩm chất lượng với tính năng vượt trội, nhưng mà hơn thế nữa thì trí tuệ và sự sáng tạo của người Vicostone là yếu tố thành công nhất và kiên quyết nhất để có thể tạo ra sản phẩm thực sự là khác biệt, độc đáo, và dẫn dắt thị trường. Đó là lý do để Vicostone vươn lên Top 3 nhà sản xuất đá nhân tạo cao cấp trên thế giới với hơn 10.000 điểm bán tại 50 quốc gia năm 2020; Vicostone được vinh danh Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 4 kì liên tiếp vào năm 2024”.

VICOSTONE được vinh danh
VICOSTONE được vinh danh "Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam"

Ông Nguyễn Thành Dương cũng khẳng định: “Với tôi, yếu tố cốt lõi trong xây dựng thương hiệu doanh nghiệp chính là “Giá trị thật và Cam kết dài hạn. Trong một thế giới nhiều ồn ào và quảng cáo, điều khiến một thương hiệu đứng vững không phải là chiêu trò, mà là chất lượng thật sự và sự nhất quán trong từng cam kết với khách hàng”.

Năm nay, Tuần lễ Thương hiệu Quốc gia Việt Nam có chủ đề "Bứt phá từ đổi mới, sáng tạo", nhấn mạnh vai trò của đổi mới trong chiến lược phát triển doanh nghiệp. Việc không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng mô hình kinh doanh sáng tạo giúp doanh nghiệp gia tăng sức cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và thị trường quốc tế. Đổi mới, sáng tạo không chỉ là động lực phát triển mà còn là yếu tố cốt lõi để thương hiệu Việt vươn xa.

Thu Trang