Nâng mũi không phẫu thuật đang là kỹ thuật làm đẹp, thu hút sự quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên, không phải cứ ai áp dụng phương pháp này thì mũi đều đẹp hơn, thậm chí không ít người phải vào viện để khắc phục hậu quả và chịu di chứng suốt đời.
Cảnh giác với những “thần dược” nâng mũi
Là phương pháp tạo dáng mũi mới bằng cách tiêm chất làm đầy như Restylane, Aquamid, filler trực tiếp vào vùng cần chỉnh hình, giúp làm cao sống mũi, theo các trung tâm thẩm mỹ thì nâng mũi không phẫu thuật đơn giản và hầu như không đau, không sưng, hiệu quả ngay, không để lại sẹo hay biến chứng nguy hiểm.
Chị Nguyễn Phương Anh (Trung Hòa, Cầu Giấy) chia sẻ: Do tính chất công việc, tôi quyết định đi nâng mũi bằng phương pháp tiêm chất làm đầy. Ngày đầu sau nâng thấy hơi đau, phồng đỏ, khó chịu, mình nghĩ do mới làm xong nên không ái ngại. Mấy ngày sau càng thấy khó chịu, ngứa xung quanh mũi. Đi khám, được bác sỹ cho biết do mình dị ứng với loại “thần dược” tiêm vào để nâng mũi, bị nhiễm trùng, được bác sỹ điều trị kê thuốc uống trong thời gian khá dài mới khỏi.
Em Phạm Lan Chi, sinh viên Trường Cao đẳng Múa, Hà Nội) là một trường hợp làm đẹp mũi không thành công, kết quả là mũi bị biến dạng: “Đầu mũi nhô cao hơn, mũi không được cao và đầy đặn như mình mong ước, tụi bạn còn chê nhìn lộ như phẫu thuật dao kéo, cứng nhắc”.
Được biết, Restylane, Aquamid, filler là một dạng chất làm đầy, được cấu tạo từ bộ khung cao với cấu trúc không gian 3 chiều tương tự collagen, bên trong nước muối sinh lý chiếm 98% và 2,5% polycarylamide. Mặt khác, các chất này được xác định là chất độn sinh học đạt đến 90% mức độ tương đồng với cơ thể con người, nó đang tạo nên một cơn sốt trong giới làm đẹp.
Tại các diễn đàn trên mạng, các thành viên cũng tỏ ra quan tâm đến phương pháp làm đẹp mới mẻ này. Theo BS. Lê Tấn Hùng, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (BV Răng Hàm Mặt), Restylane, Aquamid, filler là tiến trình điều trị không phẫu thuật xâm lấn đã được cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) chứng nhận về độ an toàn và hiệu quả, đã được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, tiêm những chất này có thể không thích hợp trong các trường hợp bệnh tự miễn, dị ứng hoặc nhạy cảm thành phần của chất, nhiễm trùng do viêm, phụ nữ có thai và cho con bú. Việc sử dụng chất làm đầy này cũng như “con dao hai lưỡi”, phải tuân thủ quy tắc, liều lượng và đối tượng sử dụng nhất định, nếu không sẽ gây ra hậu quả khôn lường. BS khẳng định, tại nhiều cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ viện, việc sử dụng liệu pháp tiêm chất đầy rất tùy tiện và rất nhiều trong số đó chưa thông qua đơn vị cung cấp, giấy chứng nhận độ an toàn.
BS. Hùng khuyến cáo, những người có nhu cầu làm đẹp bằng phương pháp này hãy cẩn trọng vì chất làm đầy sau khi được tiêm vào cơ thể chỉ tác dụng trong thời gian ngắn, không kéo dài vĩnh viễn như nhiều người lầm tưởng. Tối đa là 18 tháng sẽ phải đi tiêm định kỳ nếu không muốn ngoại hình biến dạng. Chi phí thực hiện nâng mũi không phẫu thuật khoảng 4 – 12 triệu đồng, tùy vào loại chất làm đầy sử dụng.
Hoan Nguyễn