THCL Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Nghị định thay thế Nghị định 89/2006/NĐ-CP đang được xây dựng sẽ có nhiều điểm mới với mục tiêu hướng tới khắc phục những hạn chế, bất cập đang tồn tại và hướng tới tạo cơ chế thông thoáng trong xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa, thực hiện các quy định chung về ghi nhãn trên thị trường toàn cầu, đồng thời đảm bảo kiểm soát nghiêm ngặt, phòng chống hàng giả, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Những tồn tại cần khắc phục

Nghị định 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 đã ban hành 10 năm với nhiều thay đổi trên thị trường cũng như nền kinh tế trong nước và bối cảnh hội nhập thương mại quốc tế. Cho đến nay, nghị định này không tránh khỏi một số bất cập cần được quan tâm, bàn thảo và có hướng sửa đổi.

Theo đại diện Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ): Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, sau khi trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới năm 2007 (WTO), Việt Nam đã tham gia và ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTAs) song phương và đa phương, trong đó EVFTA, TPP… có các cam kết về nhãn hàng hóa đối với hàng hóa cụ thể, về việc xác định xuất xứ hàng hóa... Như vậy, hiện nay xuất xứ hàng hóa và việc xác định xuất xứ hàng hóa có rất nhiều quy định khác nhau và phức tạp, đặt ra vấn đề cần phải được rà soát để sửa đổi cho thống nhất và phù hợp, tránh vi phạm các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

NĐ thay thế NĐ 89/2006/NĐ-CP: Khắc phục nhiều hạn chế, chống hàng giả - Hình 1

Ảnh minh họa

Ngoài ra, cách ghi xuất xứ hàng hóa hiện nay cũng đa dạng hơn cần được nghiên cứu bổ sung phù hợp, bên cạnh cách ghi cũ “sản xuất tại…”, “chế tạo tại…” còn có cách ghi khác như “sản xuất bởi…”.

Bên cạnh  những vấn đề liên quan đến các cam kết trong hội nhập thương mại quốc tế, tại thị trường trong nước cũng tồn tại nhiều vấn đề liên quan đến Nghị định 89/2006/NĐ-CP cần được quan tâm. Cụ thể, việc quy định ghi nhãn phụ đối với hàng hóa nhập khẩu trong trường hợp không có nhãn tiếng Việt dẫn đến việc áp dung cho hàng hóa là phụ tùng, linh kiện nhập khẩu phục vụ thay thế sửa chữa bảo hành của nhà sản xuất; vật tư, nguyên liệu, phụ gia  nhập khẩu phục vụ sản xuất là không cần thiết, nhưng lại gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình sản xuất và nhập khẩu.

Đại diện công ty làm công tác xuất nhập khẩu cho biết: Trong khi vai trò của nhãn mác nhằm giúp người tiêu dùng và nhà quản lý chống lại các hành vi gian lận thương mại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tại Nnghị định 89/2006/NĐ-CP, thiếu một số quy định như quy định ghi ngày sản xuất, ngày đóng gói, hạn sử dụng đối với các trường hợp san chia, sang chiết đóng gói lại… thiếu quy định ghi thông tin bắt buộc đối với các hàng hóa như phụ gia, hóa chất dạng rời không có bao bì thương phẩm bày bán ở các chợ, cửa hàng chuyên kinh doanh hóa chất, phụ gia.

Ngoài ra, còn là những hạn chế trong quy định về cách ghi ngày sản xuất, cỡ chữ, vị trí... Đây là một trong những kẽ hở dung túng cho hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng vẫn được bày bán trôi nổi trên thị trường.

Theo đại diện Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa phân tích và đưa ra các ví dụ về việc hàng giả, hàng nhái lợi dụng kẽ hở này để thực hiện gian lận thương mại. 

 Cũng liên quan đến nhãn mác hàng hóa, các bộ quản lý chuyên ngành đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể việc ghi nhãn đối với hàng hóa thuộc quản lý chuyên ngành. Điều này dẫn đến một số quy định về nhãn hàng hóa tại các nghị định thuộc quản lý chuyên ngành với Nghị định 89/2006/NĐ-CP chưa có sự thống nhất, đồng bộ.

Mặt khác, trên thị trường, đã xuất hiện nhiều nhóm hàng hóa mới phát sinh cần phải có quy định nội dung ghi nhãn bắt buộc trong khi Nghị định 89/2006/NĐ-CP chưa có quy định điều chỉnh nội dung bắt buộc ghi nhãn, gây khó khăn trong hoạt động quản lý, cũng như áp dụng thực thi của doanh nghiệp.

Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có sự nghiên cứu, rà soát và sửa đổi bổ sung Nghị định 89/2006/NĐ-CP để tạo ra hành lang pháp lý vững chắc, đảm bảo sự phát triển của thương mại trong nước và hội nhập quốc tế.

Nhiều điểm mới

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng: Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Nghị định thay thế Nghị định 89/2006/NĐ-CP đang được xây dựng, sẽ có nhiều điểm mới với mục tiêu hướng tới khắc phục những hạn chế, bất cập đang tồn tại và hướng tới tạo cơ chế thông thoáng trong xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa, thực hiện các quy định chung về ghi nhãn trên thị trường toàn cầu đồng thời đảm bảo kiểm soát nghiêm ngặt, phòng chống hàng giả, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

những điểm mới sẽ được điều chỉnh trong Nghị định thay thế Nghị định 89/2006/NĐ-CP.

Bãi bỏ một số quy định cũ để phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế, cụ thể, như: bãi bỏ công bố nhãn hàng hóa giúp doanh nghiệp giảm thủ tục hành chính; bỏ quy định ghi nhãn phụ đối với hàng linh kiện, phụ gia, nguyên liệu nhập khẩu để đưa vào sản xuất mà không bày bán trên thị trường.

Riêng đối với hàng hóa xuất khẩu nhưng bị trả lại và trở về bán tại thị trường trong nước, nghị định mới có quy định phải bổ sung nhãn phụ, như: Thống nhất ngày tháng ghi date theo quốc tế; ghi xuất xứ hàng hóa...

Bên cạnh đó, nghị định mới cũng đưa ra những quy định về trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân người sản xuất. Đối với xuất xứ hàng hóa, nếu như nghị định 89 trước đây thì xuất xứ hàng hóa là nơi cuối cùng sản xuất ra hàng hóa. Tuy nhiên, với xu thế toàn cầu hóa kinh tế như hiện nay, một sản phẩm của một nước có thể được sản xuất ở nhiều nước khác nhau. Do đó, việc ghi nhãn như quy định tại Nghị định 89/2006/NĐ-CP là không còn phù hợp. Nghị định mới sẽ quy định việc ghi xuất xứ theo nghị định Việt Nam đã ký kết.

Về địa chỉ sản xuất, nghị định mới có quy định trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều địa chỉ sản xuất thì chỉ cần ghi địa chỉ chính để tạo thuận lợi cho việc ghi nhãn của doanh nghiệp.

Trên nhãn mác, các doanh nghiệp sản xuất phải đưa ra đầy đủ các thông tin cảnh báo về sản phẩm. Đối với những hàng hóa có kích thước nhỏ, thì nhãn mác chỉ cần đưa ra những thông tin chính, tuy nhiên các thông tin khác phải được thể hiện ở tài liệu đính kèm.

Đặc biệt, đối với hàng hóa không có bao bì thương phẩm như hóa chất, phụ gia để thùng thì việc ghi nhãn theo quy định mới hướng đến xu hướng thông thoáng hơn.

Cải thiện môi trường kinh doanh

Như vậy, có thể thấy, những quy định mới trong Nghị định thay thế Nghị định 89/2006/NĐ-CP đã thấy một phần nào sự quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp và minh bạch hơn đối với nhãn hàng hóa của Chính phủ, Bộ KH&CN trong việc thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP, đang hướng đến xu thế hội nhập, đáp ứng nhu cầu chung của các quy định quốc tế.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều văn bản pháp luật khác, để nghị định mới đi vào cuộc sống thì các cơ quan chịu trách nhiệm biên soạn và triển khai thực hiện chính cần có phương hướng và giải pháp để triển khai những quy định mới.

Bên cạnh sự nỗ lực của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, còn cần thêm sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành để đảm bảo các quy định mới sẽ được thực hiện nghiêm túc, chính xác, phát huy tối đa những ưu điểm và hạn chế những bất cập.

 Đại diện một doanh nghiệp cho biết: Khi chưa có thông tư,  doanh nghiệp phải nộp hồ sơ bằng bản giấy đến 3 cơ quan là cơ quan hải quan, cơ quan kiểm tra nhà nước và tổ chức đánh giá sự phù hợp (nếu chưa có giấy chứng nhận phù hợp chất lượng). Khi có giấy chứng nhận chất lượng, doanh nghiệp phải đến lấy và nộp cho cơ quan kiểm tra nhà nước, sau đó cơ quan kiểm tra nhà nước ra thông báo kết quả kiểm tra, doanh nghiệp tiếp tục nộp thông báo cho cơ quan Hải quan để được thông quan (thời gian làm các thủ tục kéo dài, khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp).

Chính thức có hiệu lực áp dụng từ ngày 15/6/2016, Thông tư số 77/2016/TTLT-BTC-BKHCN với 5 chương, 25 điều. Thông tư thông tư số 77/2016/TTLT-BTC-BKHCN quy định chặt chẽ và chi tiết các thủ tục để nhập khẩu hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN.

Theo quy định của thông tư thì khi doanh nghiệp nhập khẩu hàng vào Việt Nam chỉ cần thực hiện các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa được rút gọn, hồ sơ, bao gồm: Đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu; tờ khai hàng hóa nhập khẩu; hóa đơn; kết quả đánh giá sự phù hợp; hợp đồng (với hàng hóa là sản phẩm thép cốt bê tông); danh mục hàng hóa; kết quả xử lý của cơ quan xử lý. Các chứng từ đều là điện tử hoặc chứng từ chuyển đổi từ chứng từ giấy.

Với cách làm như vậy, các giao dịch của doanh nghiệp có thể thực hiện trên mạng Internet thông qua cơ chế một cửa quốc gia và doanh nghiệp chỉ khai báo 1 lần thay vì 3 lần như trước. Đây là một giải pháp giúp giảm thời gian và kinh phí cho việc di chuyển và nộp hồ sơ, tiết kiệm nguồn nhân lực. Các giấy tờ thực hiện dưới dạng điện tử, giúp giảm chi phí tiêu hao văn phòng phẩm.

Như vậy, nhìn rộng ra có thể thấy, quá trình cải cách thủ tục hành chính trong khâu nhập khẩu hàng hóa theo Thông tư số 77/2016/TTLT-BTC-BKHCN đã tiết kiệm một khoản chi phí lớn cho xã hội.

Thực tế này đồng thời cho thấy tính đúng đắn và hợp lý của Thông tư số 77/2016/TTLT-BTC-BKHCN, cũng như hiệu quả của quá trình thực thi thông tư này tại các đơn vị chức năng. Hy vọng rằng, trong thời gian tới sẽ có nhiều hơn những giải pháp cải cách thủ tục hành chính tại nhiều bộ, ngành, cũng như tại nhiều khâu trong hoạt động quản lý nhà nước, điều hành nền kinh tế để góp phần thúc đẩy sự phát triển và hội nhập của kinh tế quốc gia. 

Giang Sơn