Doanh lợi trong hoạt động kinh doanh khí hoá lỏng của Nga tăng mạnh
Truyền thông Pháp đưa tin, ngày 24/10, Tập đoàn khí đốt Novatek của Nga đã cho công bố lợi nhuận và doanh thu trong quý III/2018.
Theo số liệu công bố, doanh lợi của Novatek tăng mạnh, trong đó đặc biệt là nhờ dự án khí hoá lỏng Yamal LNG.
Lợi nhuận ròng của Novatek trong quí III/2018 tăng 21,7% lên 45,9 tỷ rúp - tương đương 616 triệu euro, doanh thu của Novatek trong quý III/2018 cũng tăng 67,8% lên 219,4 tỷ rúp - tương đương 2,9 tỷ euro.
Báo cáo của Novatek ghi rõ : "Có được sự tăng trưởng này là phần lớn nhờ vào việc đưa hai dây chuyền sản xuất LNG đầu tiên của nhà máy Yamal LNG vào vận hành”.
Hai dây chuyền này được đưa vào hoạt động hồi tháng 11/2017 và tháng 7/2018.
Kho lưu trữ sản phẩm của Nhà máy Yamal LNG
Tổng mức đầu tư cho Dự án Yamal LNG ước tính khoảng 27 tỷ USD.
Các cổ đông dự án là Novatek (50,1%), Tập đoàn năng lượng Pháp Total (20%), Tập đoàn CNPC Trung Quốc (20%) và Quỹ con đường tơ lụa Trung Quốc (9,9%).
Dự án Yamal LNG liên quan trực tiếp đến việc xây dựng một nhà máy sản xuất khí thiên nhiên hóa lỏng có công suất 16,5 triệu tấn mỗi năm, đặt gần mỏ Nam Tambei, phía bắc Siberia.
Mỏ khí tự nhiên Nam Tambei ước tính có trữ lượng khoảng 907 tỉ m3. Sản lượng khí hóa lỏng mỗi năm của Dự án Yamal LNG có thể đáp ứng như cầu sử dụng cho 4 nước gồm Ba Lan, Áo, Estonia và Thụy Điển, trong một năm.
Dự án bao gồm cả việc xây dựng các cơ sở hạ tầng liên quan, bao gồm một cảng biển, một sân bay và một cơ sở trung chuyển tại cảng Zeebrugge của Bỉ để chuyển giao khí đốt cho các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Dây chuyền sản thứ ba của nhà máy Yamal LNG dự kiến sẽ được hoàn thiện trước năm 2019.
Nhờ Yamal LNG mà sản xuất LNG của Novatek tăng 12,6% và doanh thu tăng 12,2% /năm - những con số mơ ước trong tình hình kinh tế hiện nay.
Điều này lý giải tại sao nhiều ngân hàng Châu Âu xếp hàng mong được đầu tư vào Dự án Yamal LNG. Chính phủ Nga đã phải yêu cầu các nhà đầu tư hiện tại giảm mức vốn góp để dành phần cho các ngân hàng Châu Âu cùng tham gia.
"Trong khuôn khổ dự án Yamal LNG, chúng ta đã ký một thỏa thuận thiết lập giới hạn mức tài trợ dự án là 19 tỷ USD. Cho đến nay, tất cả các gói hạn mức này đều đã được cam kết thực hiện.
Chúng ta phải yêu cầu một số đơn vị giảm mức tham gia giảm hạn mức của họ, để dành phần cho các tổ chức khác có nhu cầu đầu tư, trong đó có nhiều ngân hàng ở Châu Âu”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Novatek Group Leonid Mikhelson cho biết.
Dự án Arctic LNG-2 - liên doanh giữa Tập đoàn Novatek của Nga và Tập đìan Toltal của Pháp
Chính phủ Nga quyết liệt thúc đẩy chiến lược phát triển kinh doanh khí hoá lỏng
Theo RT, trong cuộc họp ngày 25/10 vừa qua, chính phủ Nga đã xem xét việc thực hiện các biện pháp nhằm nhanh chóng mở rộng sản xuất LNG, để nâng tỷ trọng xuất khẩu khí hoá lỏng của Nga ra thị trường thế giới.
Theo Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev, trong những năm gần đây, doanh thu LNG trên thị trường thế giới tăng trưởng mạnh - tăng khoảng 12% trong năm 2017 - và xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong dài hạn
Dù đứng đầu thế giới về cung cấp khí đốt tự nhiên bằng đường ống, song Nga cần chiếm lĩnh thị trường LNG. Theo người đứng đầu chính phủ Nga, sự cạnh tranh trên thị trường LNG là rất mạnh mẽ, nhưng thị phần của Nga vẫn còn khá khiêm tốn.
Ngoài việc Mỹ can thiệp thô bạo vào thị trường LNG, vi phạm các quy tắc thương mại và thông lệ quốc tế khi nhắm vào thị trường Châu Âu, thì Australia, Malaysia, Qatar và một số quốc gia khác cũng tích cực đầu tư vào ngành công nghiệp này.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Năng lượng Liên bang Nga, năm 2017, xuất khẩu LNG từ Nga đạt 11,7 triệu tấn - tương đương với 16 tỷ m3 - chiếm 6,5% tổng lượng xuất khẩu khí thiên nhiên từ Nga, chiếm 4% thị phần LNG thế giới.
Thủ tướng chính phủ Nga đã tỏ ra không hài lòng với chiến lược phát triển khí thiên nhiên hoá lỏng của Nga hiện nay.
"Tình hình trên thị trường LNG đòi hỏi sự chú ý tối đa và hành động quyết liệt của các bộ ngành liên quan", ông Medvedev nhấn mạnh.
Hiện tại Nga có 2 nhà máy sản xuất LNG có công suất lớn là nhà máy Sakhalin-2 và nhà máy Yamal LNG. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy sản xuất LNG của Nga là 21 triệu tấn/năm.
Nếu năm 2019, dây chuyền sản xuất thứ 3 và 4 của nhà máy Yamal LNG vận hành, năng lực sản xuất LNG của Nga sẽ vào khoảng 29 triệu tấn/năm.
Điều này vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của chính phủ Nga là LNG của Nga chiếm 17-20% thế giới.
Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev thúc giục các bộ ngành và các tập đoàn năng lượng Nga tập trung phát triển sản xuất và xuất khẩu LNG
Vì vậy, Chính phủ đã phê duyệt một chiến lược toàn diện cho sự phát triển sản xuất LNG trên bán đảo Yamal và cũng cung cấp các biện pháp hỗ trợ cần thiết cho việc thực hiện dự án sản xuất LNG trên bán đảo Gydan (Arctic LNG-2).
Theo chiến lược mà Thủ tướng Medvedev giới thiệu thì có 5 nhóm biện pháp quan trọng cho phép Nga tìm được chỗ đứng xứng đáng với tiềm năng của mình trong thị trường LNG toàn cầu. Đó là:
(1) Thực hiện mở rộng sản xuất LNG, khởi động các dự án mới; (2) Tập trung vào việc tạo ra cơ sở hạ tầng lưu trữ bổ sung và phương tiện cung cấp nguyên liệu khí thiên nhiên.
(3) Xây dựng chiến lược xuất khẩu hiệu quả, tạo điều kiện cho tiếp thị và hậu mãi; (4) Nâng cao năng lực, thử nghiệm công nghệ tiên tiến; (5) Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các thiết bị quan trọng.
Để triển khai hiệu quả các biện pháp đó, người đứng dầu chính phủ Nga yêu cầu các nhà đầu tư thực hiện "hiệp đồng tác chiến" trong quá trình thực hiện các dự án LNG mới, nhất là tại vùng Viễn Bắc.
Điều đó sẽ giúp thúc đẩy phát triển vùng Bắc Cực và tăng tải trọng của Tuyến đường biển Bắc (NSR), hình thành lộ tuyến quan trọng cho hệ thống các tàu chở dầu, chở LNG và các đội tàu phá băng.
Về kế hoạch mở rộng thị phần, Thủ tướng Medvedev yêu cầu nhanh chóng tiếp cận thị trường tiềm năng thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, bởi nhu cầu về LNG của các nước ở khu vực này sẽ tăng rất nhanh và rất cao.
Dường như Tổng thống Putin đã bỏ cấm vận - trừng phạt lại phía sau
Bên cạnh đó, thị trường LNG nội địa cũng cần được khai thác, bởi LNG là phương tiện lý tưởng cho công tác khí hóa các khu vực dân cư xa xôi hẻo lánh chưa có điều kiện tiếp cận với mạng lưới ống dẫn khí trung tâm.
Hiện nay, việc chuyển đổi động cơ của các phương tiện vận tải đường biển và đường bộ sang sử dụng LNG đang là một xu hướng tất yếu, vì vậy đa dạng hoá công dụng của LNG cũng cần phải tính tới, nhất là sử dụng làm nhiên liệu để sản xuất điện.
Như vậy, với chiến lược thúc đẩy phát triển hoạt động sản xuất và xuất khẩu LNG, chính phủ Nga đã quyết đưa ngành công nghiệp khí hoá lỏng của nước này trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm với LNG của Mỹ ngay trong thời cấm vận.
Thực tế cho thấy dường như các biện pháp cấm vận-trừng phạt đã mất tác hiệu với Nga, khi các ngân hàng Châu Âu, các doanh nghiệp Châu Âu và doanh nghiệp Mỹ ngày càng hợp tác sâu rộng với các doanh nghiệp Nga, nhất là trong lĩnh vực năng lượng.
Theo Baodtviet