Nga sẽ không nhường thị trường châu Âu cho Mỹ

Bắt đầu từ ngày 19/12/2015, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật cho phép dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ, vốn đã tồn tại suốt 40 năm tại nước này. Đây có thể được coi là một bước ngoặt trong chính sách năng lượng của Mỹ, giúp tăng nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm sự phụ thuộc vào Nga cũng như OPEC cho các đối tác.

Theo tờ báo Wall Street Journal của Mỹ, nước này đang bắt đầu cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) đến lục địa Âu. Chẳng hạn, vào tuần tới con tàu đầu tiên chở khí hóa lỏng của Mỹ cần đến Litva, còn những chuyến hàng đầu tiên đã xâm nhập thị trường EU từ đầu năm 2016.

Chuyến cung cấp LNG đầu tiên từ Mỹ đến châu Âu là cung cấp cho Bồ Đào Nha ngày 27 tháng 4 năm 2016. Trước đó, Hoa Kỳ lần đầu tiên xuất khẩu khí đốt của mình ra nước ngoài vào hồi tháng 2/2016, khi công ty Cheniere Energy đã cung cấp lô hàng khí hóa lỏng đầu tiên đến Brazil.

Ngoài thị trường châu Âu, lô hàng khí thiên nhiên hóa lỏng đầu tiên của Mỹ cũng đã đến Trung Quốc vào tháng 8/2016. Bắc Kinh và các nước giàu có, những quốc gia đang phát triển ở châu Á cũng là khách hàng quan trọng của khí đốt Nga, do đó, đây là điều khiến Moscow lo lắng.

Hiện có nhiều đồn đoán là Mỹ sẽ quyết đánh quỵ Nga ngay tại thị trường truyền thống châu Âu. "Sự xuất hiện của khí đốt Mỹ buộc Nga phải bồn chồn. Và quả thật là Moscow nên lo lắng" - báo dẫn lời nhà khoa học chính trị Jason Bordof, vốn là quan chức trong chính quyền Obama.

Tờ Wall Street Journal nhận định rằng, những áp lực chính trị đối với Nga và EU của Mỹ, nhằm xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu mâu thuẫn với vị thế của Nga, vốn luôn là quốc gia nắm quyền chi phối dầu mỏ, khí đốt trong khu vực. Do đó, Moscow sẽ không nhượng bộ Washington.

Từ trước đến nay, thị trường châu Âu thường đảm bảo 75% tổng lượng xuất khẩu khí đốt; còn khí đốt lại chiếm phần quan trọng trong xuất khẩu của Nga. Vào năm 2015, dầu thô chiếm khoảng 35%, xăng dầu đã được chế biến chiếm 17% và khí đốt chiếm tới 14% tỉ trọng xuất khẩu của Nga.

Nếu thị trường khí đốt của Nga ở châu Âu bị Mỹ chiếm mất, trong bối cảnh giá dầu vẫn còn thấp thì chắc chắn là kim ngạch xuất khẩu của Nga sẽ suy giảm nghiêm trọng, dẫn tới GDP cũng sụt giảm.

Từ trước đến nay, giá trị của đồng rúp luôn theo sát vận mệnh của giá dầu và khí đốt và giá trị đồng Rúp chắc chắn cũng bị ảnh hưởng lớn. Một đồng rúp yếu sẽ làm cho mục tiêu kiểm soát lạm phát của ngân hàng trung ương khó khả thi, bởi vì nó làm cho hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. 

Đại chiến khí đốt Nga-Mỹ: EU khai tử khí hóa lỏng Mỹ - Hình 1

Châu Âu bị Mỹ gây áp lực không được mua khí đốt giá rẻ Nga

Wall Street Journal nhận định, xuất khẩu tài nguyên năng lượng mà ở đây cụ thể là khí đốt luôn luôn là chiếc “đai bảo hiểm” địa-chính trị-kinh tế của Nga. Ngoài nguồn thu lớn cho ngân sách nó còn là nguồn lực tác động ảnh hưởng đến chính sách của châu Âu.

Do đó, chắc chắn là Moscow sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo tồn vị thế thống trị tại thị trường năng lượng châu Âu.

Theo tờ báo Mỹ, Nga sẽ không nhường “cành cọ vinh quang” cho Mỹ một cách giản đơn như vậy. Các công ty năng lượng của Nga đã giảm giá khí đốt dẫn theo đường ống; thay đổi phương thức kinh doanh và xây dựng nền tảng của riêng mình dành cho khí hóa lỏng.

Theo giới phân tích, mặc dù Mỹ quyết tâm đẩy mạnh xuất khẩu khí hóa lỏng sang châu Âu nhưng LNG của Mỹ khó có thể đánh quỵ được khí đốt dẫn bằng đường ống và khí hóa lỏng của Nga, bởi do vị trí địa lý, xuất khẩu của Nga đang chiếm nhiều ưu thế; trong khi đó, Mỹ đang có quá nhiều bất lợi không thể khắc phục được.

Thứ nhất: Hạ tầng LNG của Mỹ thiếu, giá khí đốt và phí vận chuyển cao

Giới lãnh đạo ngành dầu khí của Nga đã từng tuyên bố thẳng thừng rằng, cho dù người Mỹ có cung cấp miễn phí khí hóa lỏng (LNG) sang châu Âu thì họ vẫn sẽ không đủ khả năng thay thế nguồn khí đốt của Nga. Vậy tại sao giới chức Nga lại tự tin như vậy?

Thứ nhất là do hạ tầng chế xuất khí hóa lỏng và hạ tầng các trạm cung cấp LNG của Mỹ cũng rất hạn chế. Mỹ hiện nay chỉ có một terminal xuất khẩu duy nhất có khả năng xuất LNG ở Louisiana nên hiện đầu ra xuất khẩu rất hạn chế.

Mỹ đang vạch kế hoạch xây nửa tá terminal ở các vùng khác nhưng điều này đòi hỏi thời gian khá dài, đồng thời Mỹ cũng phải xây dựng các tuyến vận chuyển khí đốt đến các trạm xuất LNG. Để thực hiện kế hoạch này sẽ rất tốn kém và mất nhiều thời gian, đồng thởi sẽ làm đội giá khí đốt đầu vào lên mức cao hơn khí đốt thành phẩm đầu ra của Nga.

Giá khí gaz ở Mỹ dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm tới. Theo dự đoán của các chuyên gia thuộc công ty RBC Capital Markets LLC, bước tăng vọt giá khí đốt của Tập đoàn dầu mỏ và khí đốt Henry Hub sẽ lên tới 32%, đồng nghĩa với việc chi phí xuất khẩu sang châu Âu sẽ tăng hơn mức đó.

Thứ hai là hiện điều kiện địa lý khiến Mỹ phải sử dụng tàu biển để vận chuyển khí hóa lỏng sang châu Âu và các khu vực khác trên thế giới, trong khi Mỹ không có nhiều tàu loại này, mà khối lượng vận chuyển của chúng cũng không lớn.

Ví dụ như một chuyến tàu vận tải chuyên dụng chở khí hóa lỏng của Mỹ đến châu Âu thường mất thời gian khoảng 1 tuần và mỗi con tàu khổng lồ này cũng chỉ cung cấp đủ cho nhu cầu năng lượng của một quốc gia tiêu thụ ít như Bồ Đào Nha trong vòng khoảng một tuần lễ.

Do đó, để phục vụ riêng cho nhu cầu của châu Âu mà không bị gián đoạn, Mỹ cần phải xây dựng đội tàu vài chục chiếc với chi phí khổng lồ; việc bảo quản khí hóa lỏng bằng thiết bị chuyên dụng cũng làm gia tăng chi phí vận chuyển, khiến giá thành khí đốt bị đẩy lên rất cao.

Nếu Mỹ muốn giảm giá bất tuân quy luật thị trường để cạnh tranh với Nga thì họ sẽ duy trì được bao lâu? Còn cạnh tranh sòng phẳng, nếu không xây dựng được hệ thống khách hàng đủ lớn để lấy lượng bù giá, LNG của Mỹ có thể nhanh chóng phá sản.

Thứ hai: Nga có hạ tầng sẵn sàng, giá khí đốt rất rẻ

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của Nga đã được xây dựng tương đối hoàn thiện, dự án “Dòng chảy Phương Bắc 1” tức là tuyến đường ống số 1 trong 2 đường ống song song đã được đưa vào khai thác từ tháng 11 năm 2011 với công suất tối đa 27,5 tỷ m3/năm.

Tuyến đường ống đầu tiên của dự án "Dòng chảy phương Bắc" (Nord Stream-1) chạy ngầm dưới biển Baltic nối từ Vyborg-Nga đến Greifswald-Đức, không phải mất phí trung chuyển nên đã cung cấp cho Tây Âu nguồn khí đốt rất lớn với nguồn cung ổn định, giá lại rất rẻ.

Việc xây dựng tuyến đường ống thứ 2 sẽ rất thuận lợi và ít tốn kém do đã sẵn có hạ tầng của tuyến thứ nhất, nên nếu Nord Stream-2 được đưa vào vận hành thì Tây Âu và cả Đông Âu sẽ được hưởng nguồn khí đốt với giá còn rẻ hơn. Và nước nào ở châu Âu sẽ để mất món lợi lớn như vậy về kinh tế?

Lãnh đạo tập đoàn dầu khí quốc gia Nga Gazprom cũng đã tuyên bố nếu Mỹ giảm giá khí hóa lỏng LNG để cạnh tranh với Nga thì tập đoàn Nga cũng sẽ cố gắng cắt giảm chi phí để hạ giá.

Do đó, khí đốt LNG có giá rất cao của Mỹ không thể cạnh tranh được với khí đốt vận chuyển qua tuyến đường ống của Nga ở châu Âu, nếu không có sự can thiệp của yếu tố chính trị.

Ngoài ra, khi tuyến đường ống Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turk Stream) được xây dựng xong và đi vào vận hành thì dòng khí đốt Nga sẽ tiếp tục chảy sang Nam Âu, cung cấp cho cả Trung Âu; khi đó, LNG của Mỹ sẽ càng không có khả năng cạnh tranh. 

Đại chiến khí đốt Nga-Mỹ: EU khai tử khí hóa lỏng Mỹ - Hình 2

Chính châu Âu sẽ quyết định tương lai của xuất khẩu LNG Mỹ

Thứ 3: Quyết định tương lai LNG của Mỹ chính là châu Âu

Một khó khăn đầu tiên đối với khí hóa lỏng Mỹ là không có nhiều nước châu Âu có sẵn những terminal tiếp nhận khí hóa lỏng.

Với việc đang sẵn có hạ tầng tiếp nhận và vận chuyển khí đốt bằng các tuyến đường ống, đa số các nước nghèo ở châu Âu liệu có bỏ ra chi phí khổng lồ để xây dựng hạ tầng LNG mới, để mua khí đốt giá cao của Mỹ, trong khi hoàn toàn có thể không thêm tiền mà vẫn mua được khí đốt giá rẻ của Nga, lại được vận chuyển đến tận nơi?

Khó khăn thứ hai đối với Mỹ chính là một số đồng minh là nước xuất khẩu khí đốt lớn cho châu Âu, ví dụ như Na Uy (là nhà cung cấp khí đốt vào châu Âu lớn thứ 2, sau Nga, với thị phần 25%). Chính những đồng minh này sẽ là đối thủ ngăn chặn dòng chảy LNG của Mỹ vào châu Âu.

Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất đối với Washington chính là tham vọng của Berlin. Đức là điểm đầu vào của “Dòng chảy Phương Bắc”, có nhiều tuyến đường ống dẫn khí nối liền khắp Châu Âu. Các công ty nước này là cổ đông lớn của tuyến ống này và được hưởng lợi lớn do giá khí đốt giảm.

Sau khi dự án “Dòng chảy Phương Bắc-2” hoàn tất, Đức sẽ trở thành một trung tâm lưu trữ và phân phối khí đốt Nga ở châu Âu, họ sẽ kiểm soát và phân phối lại các dòng khí đốt tới các quốc gia khác và đó là vị trí rất có lợi cho vai trò thủ lĩnh châu Âu của Đức.

Ngoài ra, Nghị viện Đức đang dự định thông qua kế hoạch đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân để tránh nguy cơ rò rỉ phóng xạ và những nhà máy nhiệt điện cung cấp tới 40% năng lượng toàn quốc, để cắt giảm 40% lượng khí thải nhà kính so với thập niên 1990, chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch.

Và để thực hiện kế hoạch này, Ngân hàng HSBC cho rằng trong vòng 5 năm tới, khí đốt sẽ cung cấp 1/5 điện năng cho nước Đức, cao gấp đôi so với tỷ lệ hiện tại. Đức biết rằng không thể có gì thay thế được khí đốt giá rẻ của Nga trong chiến lược của mình do đó, Berlin sẽ ủng hộ dự án khí đốt đường ống giá rẻ của Nga chứ không phải là LNG cắt cổ của Mỹ, bất chấp những áp lực chính trị.

Thiên Nam - Baodatviet