Nga rất ủng hộ một châu Âu độc lập

Trả lời phỏng vấn của hãng tin RT ngày 11/11 tại Paris, Tổng thống Nga Putin đã bày tỏ quan điểm của mình về ý tưởng thành lập một đội quân chung của châu Âu mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra.

"Châu Âu là một liên minh kinh tế mạnh, và tất nhiên họ muốn khẳng định độc lập, chủ quyền của mình trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Đây là một tiến trình tích cực, góp phần thúc đẩy một thế giới đa cực" - Tổng thống Nga nhấn mạnh.

Bình luận trên của ông Putin đã nhắc lại quan điểm mà Tổng thống Pháp đưa ra hôm 6/11 rằng châu Âu cần thành lập một quân đội chung, riêng biệt và độc lập để cùng đối diện với những nguy cơ khác nhau mà NATO không thể mang lại. Các nguy cơ này đến từ Nga, Trung Quốc và thậm chí cả Mỹ.

Những gì mà Tổng thống Pháp tuyên bố đã khiến Mỹ nổi giận. Mối quan hệ Washington - Paris đã không được tốt lành từ thời điểm kỳ họp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tổ chức hồi tháng 9, Tổng thống Pháp đã chỉ trích kịch liệt quan điểm "nước Mỹ trên hết" của ông Trump. Và đáp trả lại, Tổng thống Mỹ cho rằng nước Mỹ xứng đáng được ưu tiên khi họ đang phải làm việc vất vả để bảo vệ tất cả lợi ích không chỉ của Mỹ mà còn các đồng minh đằng sau mình.

Tiếp đến, những luận điểm về một quân đội châu Âu độc lập, không phụ thuộc vào NATO dưới sự dẫn dắt của Mỹ đã khiến Washington nổi giận. Tổng thống Trump thì coi đây là một sự xúc phạm sâu sắc và lập tức tỏ thái độ cầm chừng, giữ khoảng cách với ông Macron trước các hoạt động công chúng.

  Nga đổ thêm dầu vào đống lửa ‘Quân đội chung châu Âu’ - Hình 1

Mối quan hệ giữa Mỹ và Pháp đang xấu đi nghiêm trọng

Thậm chí, khi Pháp thẳng thắn tuyên bố các nước châu Âu sẵn lòng trả thêm tiền để giảm gánh nặng cho Mỹ với NATO cũng không làm Tổng thống Mỹ vui vẻ hơn. Một đống lửa đã được nhen nhóm trong mối quan hệ đồng minh Mỹ - EU. Và những tuyên bố của ông Putin ngay trên đất Pháp vào thời điểm này không khác gì đổ thêm dầu vào lửa.

EU khó thoát ảnh hưởng quân sự của Mỹ

Một thực tế cho thấy, ý tưởng của ông Macron là hoàn toàn phù hợp với những vấn đề đang đặt ra cho châu Âu hiện tại. Không nói đến thời gian xa hơn, chỉ từ thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền nước Mỹ, đã có liên tiếp những xung đột lợi ích với châu Âu.

Các biện pháp gia tăng trừng phạt lên Nga là một ví dụ điển hình đẩy châu Âu vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Sau nhiều năm trừng phạt Nga, cả EU và Nga đều chịu tổn thất, trong khi Mỹ gần như không ảnh hưởng. Đó là lý do vì sao Washington luôn thúc giục EU chỉ được đối diện với Nga bằng con mắt thù địch và thực hiện nghiêm chỉnh khẩu hiệu "trừng phạt, trừng phạt, trừng phạt".

Kẻ thù và đồng minh cùng suy yếu sẽ càng làm củng cố vai trò của nước Mỹ trong mọi mối quan hệ. Và quan điểm này đã hình thành từ thời Thế chiến lần thứ hai, khi cuộc chiến kết thúc, phát xít bị tiêu diệt, nhưng nguyên khí của các nước từ tư bản chủ nghĩa đến xã hội chủ nghĩa ở châu Âu đều tổn thất nặng nề. Chỉ có một quốc gia trở thành khổng lồ nhờ chiến tranh, đó là Mỹ.

Buôn bán vũ khí, thâu tóm tài nguyên, chiếm đóng lãnh thổ xuyên suốt những năm châu Âu chiến tranh, đồng thời những thiệt hại tại chiến trường châu Âu không ảnh hưởng đến các nước ở Bắc Mỹ xa xôi làm Mỹ giàu lên nhanh chóng. Chính từ sự suy yếu của phương Tây thời điểm đó, Mỹ áp đặt ảnh hưởng, tạo ra một NATO để thực thi lợi ích Mỹ, phát động cuộc chạy đua vũ trang Chiến Tranh Lạnh với phe xã hội chủ nghĩa.

Từ phân tích đó để thấy, Washington là bậc thầy trong việc nắm cơ hội, gia tăng ảnh hưởng. Đã đến lúc EU nhìn nhận thẳng thắn về vấn đề này, 30 năm kể từ khi kết thúc Chiến Tranh Lạnh, và liệu có còn mối đe dọa đáng sợ nào như Liên Xô trước đây để châu Âu phải núp vào cái ô NATO mà Mỹ dựng ra.

 

Nga đổ thêm dầu vào đống lửa ‘Quân đội chung châu Âu’ - Hình 2

Tổng thống Nga ủng hộ châu Âu tự chủ quân sự trước Mỹ

Thứ nhất, Mỹ và châu Âu vẫn trong quan hệ đồng minh. Và tất nhiên châu Âu không thể vì một đội quân trong tương lai và quay lưng trở giáo với người đồng minh lâu năm của mình. Hành động lúng túng, vỗ về của Tổng thống Pháp Macron trước sự lạnh lùng của ông Trump đã thể hiện rất rõ điều đó.

Châu Âu muốn tự lập, tự chủ, nhưng họ chưa đủ tự tin để tách rời Washington trong mọi vấn đề. Do đó, châu Âu chỉ có thể đi từng bước cho đến khi vững vàng với một cuộc sống thiếu Mỹ, nếu làm quá đột ngột dẫn đến rất nhiều hệ quả bất ổn.

Thứ hai, nền tảng quân sự của các quốc gia trong EU được xây dựng dựa vào vũ khí Mỹ. Châu Âu có thể tự sản xuất kho vũ khí của riêng mình, nhưng sẽ còn rất nhiều vấn đề không thể thay thế ngay lập tức, châu Âu chỉ có thể giảm dần đều chứ không thể cắt đứt. Và nhu cầu để duy trì một đội quân hùng mạnh, hiện đại sẽ buộc EU phải gắn với các công nghệ vũ khí Mỹ trong thời gian ít nhất vài thập niên tới.

Thứ ba, NATO được xây dựng dựa trên tinh thần đồng minh của châu Âu và Mỹ. Thành lập quân đội chung châu Âu đồng nghĩa với việc đẩy NATO đến nguy cơ giải tán. Như vậy, mối quan hệ đồng minh của Mỹ với EU sẽ kết thúc.

Thay vào đó, Mỹ sẽ lựa chọn từng quốc gia trong EU để làm đối tác với mình. Nên nhớ, Mỹ là bậc thầy của chia rẽ, làm suy yếu và gây mâu thuẫn. Liệu liên minh châu Âu có còn là một khối thống nhất khi Washington bắt đầu thả "virus bất ổn" vào liên minh này.

Theo Baodatviet