Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ - Trận chiến giành linh hồn nước Mỹ
Sáng ngày 6/11 (theo giờ bờ Đông nước Mỹ, tức tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), cử tri tại bang Maine, Vermont, New Hampshire, New Jersey và New York đã tới các điểm bỏ phiếu, bắt đầu cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ.
Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, cử tri Mỹ bầu lại toàn bộ 435 ghế của Hạ viện, 35/100 ghế của Thượng viện, 36 thống đốc bang cùng khoảng 6.000 ghế - gần 82% tổng số ghế - trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn nước Mỹ.
Cuộc bầu cử năm nay diễn ra trong bối cảnh an ninh được thắt chặt sau vụ gửi bom thư khủng bố tới các chính khách có ảnh hưởng lớn của đảng Dân chủ Mỹ cũng như vụ xả súng diễn ra tại nhà thờ người Do Thái ở Pittsburgh, bang Pennsylvania.
Tổng thống Trump vận động bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018
Các chuyên gia an ninh Mỹ cảnh báo nguy cơ các điểm bầu cử có thể trở thành mục tiêu khủng bố. Mặc dù đây không phải là cuộc bầu quan trọng nhất ở Mỹ, nhưng kết quả bầu cử lại được cả thế giới theo dõi sát sao.
Liệu đảng Cộng hòa có tiếp tục giữ thế đa số trong Quốc hội hay phe Dân chủ sẽ lật ngược thế cờ, điều này không chỉ ảnh hưởng tới kinh tế-chính trị Mỹ, mà còn có tác động tới kinh tế-chính trị toàn cầu, vì Mỹ tầm ảnh hưởng của Mỹ với thế giới.
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này ở Mỹ có khả năng xác định nền tảng quyền lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump bền vững hay mong manh và có thể còn ảnh hưởng đến tương lai của nước Mỹ.
Nếu đảng Dân chủ giành thắng lợi - chỉ cần ở Hạ viện - đảng chính trị lớn này có thể làm chệch hướng hoặc đóng băng nhiều chương trình nghị sự của Tổng thống Trump trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ tổng thống Mỹ thứ 57.
Trong trường hợp giành chiến thắng, phe Dân chủ sẽ tăng cường giám sát của Quốc hội, có thể ngăn chặn lựa chọn của người đứng đầu Nhà Trắng đối với các ứng cử viên nội các và các thẩm phán liên bang.
Thậm chí phe Dân chủ được cho là có khả năng thúc đẩy việc điều tra Tổng thống Trump và chính quyền của ông về các giao dịch kinh doanh của vị tổng thống doanh nhân hoặc hợp tác với Nga.
Ngược lại, nếu đảng Cộng hòa vẫn kiểm soát cả Hạ viện lẫn Thượng viện, đây được coi là chiến thắng quan trọng của chính quyền Tổng thống Trump, bởi đó là mức độ tín nhiệm của cử tri dành cho vị tổng thống doanh nhân và đảng chính trị của ông.
Trong trường hợp phe Cộng hoà chiến thắng thì cũng đồng nghĩa cử tri Mỹ có niềm tin vào hiệu quả trong sự phối hợp làm việc giữa chính quyền Trump với cơ quan lập pháp do đảng Cộng hoà nắm quyền chi phối.
Lãnh đạo phe Dân chủ ở Hạ viện Nancy Pelosi, xuất hiện trên chương trình talkshow rất tự tin vào chiến thắng
Khi đó Tổng thống Trump sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp tục thực hiện các chương trình nghị sự, như vấn đề nhập cư hay bãi bỏ Obamacare ...Vì vậy cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ lần này được xem là "trận chiến giành linh hồn nước Mỹ".
Đi bầu cử giữa nhiệm kỳ, người dân Mỹ giúp minh oan cho Tổng thống Putin
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018 ở Mỹ được quan tâm không chỉ vì đó là một "trận chiến giành linh hồn nước Mỹ", mà còn là sự kiểm tra độ lệch pha giữa đời sống chính trị với đời sống xã hội Mỹ sau 2 năm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ lần thứ 57 có kết quả cuối cùng với chiến thắng vang dội của ứng viên đảng Cộng hoà Donald Trump đã khiến giới tinh hoa Mỹ bị sốc nặng, bởi mọi dự đoán và thăm dò trước bầu cử đều sai.
Chiến thắng của ông Trump không chỉ làm đảo lộn dự báo của truyền thông phương Tây, mà việc vị tỷ phú bất động sản đường hoàng bước vào Toà Bạch Ốc còn làm đảo lộn cả giá trị truyền thống Mỹ - biểu hiện cao nhất là nguyên tắc tự do-dân chủ.
Nữ cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice từng khẳng định : “Trump không thể là tổng thống. Ông nên rút lui. Là đảng viên đảng Cộng hòa, tôi ủng hộ người có phẩm giá và tầm vóc để đưa nguyên tắc dân chủ ra toàn thế giới”, theo The Guardian.
Vậy nhưng ông Trump đã chiến thắng, qua đó chứng minh đời sống chính trị Mỹ đã có sự lệch pha với đời sống xã hội Mỹ. Với những gì diễn ra qua cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, cho thấy nguyên tắc dân chủ đã bộc lộ rất nhiều khiếm khuyết.
Hiện tượng một mình tỷ phú Donald Trump có thể chống lại cả hệ thống chính trị Mỹ và giành chiến thắng là sự báo động cho nguyên tắc tự do - dân chủ phương Tây, cốt lõi của giá trị Mỹ.
Có thể nhận diện thất bại của Hillary Clinton trước Donald Trump là sự thẩm định chuẩn xác giá trị dân chủ truyền thống phương Tây. Tuy nhiên, giới tinh hoa của nước Mỹ lại không nhìn nhận như vậy, mà họ đổ lỗi cho...Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tổng thống Putin chỉ mừng chiến thắng chứ không làm nên chiến thắng cho ông Trump
"Chúng tôi biết người Nga hack hệ thống dữ liệu của chúng ta, không chỉ của chính phủ mà cả của tư nhân. Động cơ việc làm đó là gì tôi không thể nói trực tiếp, nhưng tôi biết là Donald Trump đã nhiều lần bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Vladimir Putin.
Tôi nghĩ rằng Donald Trump đã nhận được bảo đảm khá thuận lợi từ Nga. Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra”, Reuters tường thuật lời cựu Tổng thống Barak Obama nhận định "yếu tố Nga" có trong chiến thắng của ông Trump như vậy.
Thế là sau khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 57 có kết quả, một cuộc điều tra đặc biệt về việc Tổng thống Putin giúp ứng viên đảng Cộng hoà Donald Trump chiến thắng, đã được Washington tiến hành trên diện rộng.
Rồi ngày 29/12/2017, chỉ 3 tuần trước khi rời nhiệm sở, Tổng thống Barack Obama đã ra lệnh trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga vì cáo buộc gián điệp và đóng cửa hai cơ sở ngoại giao Nga ở New York và Maryland vì nghi ngờ thu thập thông tin tình báo.
Ông chủ Nhà Trắng cũng tuyên bố áp đặt trừng phạt với hai cơ quan tình báo khác của Nga là Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) và Cơ quan Tình báo Quân sự (GRU) vì cáo buộc xâm nhập vào các tổ chức chính trị Mỹ.
“Đây là một phần trong các biện pháp đáp trả sự sách nhiễu của chính phủ Nga đối với các quan chức Mỹ và các hoạt động tấn công mạng nhằm vào các cuộc bầu cử Mỹ ", vị tổng thống thứ 44 của nước Mỹ nhấn mạnh.
Thậm chí đến tháng 8/2018, việc trừng phạt Nga vì Kremlin can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và Tổng thống Putin giúp cho tỷ phú Donald Trump trở thành Tổng tư lệnh tối cao của nước Mỹ, đã được luật hoá.
Cựu Tổng thống Obama kêu gọi cử tri đảng Dân chủ ở Miami chống lại nền chính trị dựa trên sự chia rẽ
Tuy nhiên, khi Tổng thống Obama trục xuất các nhà ngoại giao Nga, đóng cửa các cơ sở ngoại giao Nga hay khi Quốc hội Mỹ thông qua Luật trừng phạt Nga thì an ninh và tình báo Mỹ vẫn chưa tìm ra "dấu vết" Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.
Thậm chí đến nay - khi diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ - thì Washington cũng vẫn chưa thể tìm ra cơ chế Tổng thống Putin can thiệp vào tình chính trị và tình hình nội trị của nước Mỹ. Nghĩa là Washington vẫn phải "bịt mắt đánh trống".
Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng muốn tìm ra cơ chế của Putin thì phải học tiếng Nga để hiểu người Nga, song theo ông Patrick J. Buchanan, cố vấn của Tổng thống Richard Nixon, Gerald Ford, Ronald Reagan, thì không phải vậy.
Bởi "Tổng thống là nhà lãnh đạo nổi bật nhất thời đại chúng ta...ông là người theo chủ nghĩa quốc gia nên đã trở thành nguồn cổ vũ cho những lực lượng chống lại những giá trị suy đồi của nền dân chủ", ông Buchanan khẳng định, theo CNN.
Như vậy, ứng viên Donald Trump thắng cử là nhờ khả năng cá nhân và sự lệch pha giữa đời sống chính trị với đời sống xã hội Mỹ, nhưng vì tại xứ cờ hoa có "hiệu ứng ngưỡng mộ Putin", có "hội chứng sợ Putin", nên giới chính trị Mỹ "buộc tội Putin".
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đến cuộc bầu giữa nhiệm kỳ thì người dân Mỹ sẽ giúp minh oan cho Tổng thống Putin, đơn giản vì nhà lãnh đạo Nga và các cộng sự của minh không thể can thiệp vào mọi tầng nấc của hệ thống quyền lực Mỹ.
Song người dân Mỹ quyết định xuất phát từ khả năng nhu cầu và ước vọng của họ được đáp ứng
Phe Dân chủ hay phe Cộng hoà chiến thắng là do người dân Mỹ quyết định, xuất phát từ khả năng nhu cầu và ước vọng của họ sẽ được đáp ứng ra sao, chứ không phải tác động từ nước Nga xa xôi, dù họ có "ngưỡng mộ Putin".
Vì vậy, giới tinh hoa Mỹ hãy đối thoại với người Nga để làm sao sớm chấm dứt "hội chứng sợ Putin", vì người dân Mỹ không bận tâm về các cáo buộc âm mưu của Nga, như khuyến cáo của Hạ nghị sĩ Thomas Massie.
Theo Baodatviet
Tổng thống Trump vận động bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018 |