Rất nhiều người cho rằng, bầu cử giữa kỳ Quốc hội Mỹ lần này giống như một cuộc trưng cầu ý dân về chính quyền của Tổng thống Donald Trump. Nhưng cuộc bầu cử này không chỉ quyết định tương lai của ông Trump mà còn xa hơn thế. Bởi đảng nào giành chiến thắng sẽ có cơ hội dàn xếp sẵn “thế trận” để có đủ những thuận lợi trong các cuộc bầu cử 10 năm tiếp theo.

Bầu cử giữa kỳ Mỹ và các viễn cảnh sẽ xảy ra - Hình 1

Cuộc bầu cử giữa kỳ lần này sẽ định hình chính trường Mỹ trước bầu cử Tổng thống năm 2010. (Ảnh: ABC News)

Bản đồ bầu cử Mỹ

Cứ 10 năm 1 lần, các chính trị gia Mỹ lại thảo luận việc vẽ lại biên giới các đơn vị bầu cử bang và liên bang theo nhân khẩu học và đảng nào chiếm ưu thế có thể sắp xếp sao cho các ứng cử viên của họ có nhiều cơ hội thắng cử hơn, đặc biệt là việc đảm bảo ứng viên Tổng thống “gom” được đủ phiếu đại cử tri để chiến thắng bất kể có thể thua về số phiếu phổ thông, kịch bản đã xảy ra khi ông Trump đánh bại bà Clinton.

Lần thảo luận tiếp theo về việc vẽ lại bản đồ bầu cử sẽ diễn ra vào năm 2020, vì thế, cán cân Dân chủ - Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ này có ảnh hưởng nhất định đến các cuộc bầu cử sau đó.

Chiến thuật lợi dụng việc vẽ lại bản đồ bầu cử thường được phe Cộng hòa sử dụng nhiều hơn, một phần cũng bởi vì cử tri ủng hộ phe Dân chủ thường tập trung ở các đô thị lớn còn những người ủng hộ phe Cộng hòa lại trải rộng khắp cả nước.

Phe Cộng hòa giữ vững quyền lực

Dù ít có khả năng nhưng không loại trừ việc phe Cộng hòa có thể tránh được viễn cảnh đảng cầm quyền thất bại ở bầu cử giữa kỳ như thường thấy trong lịch sử chính trường Mỹ.

Nếu vẫn nắm quyền kiểm soát cả 2 viện Quốc hội Mỹ, đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục thúc đẩy những nỗ lực cắt giảm thuế và khơi lại tiến trình hủy bỏ phần còn lại của đạo luật y tế mang dấu ấn của cựu Tổng thống Obama – Obamacare.

Nhưng nhiều khả năng phe Cộng hòa sẽ để mất quyền kiểm soát Hạ viện. Viễn cảnh khá chắc chắn đến thời điểm này là đảng Cộng hòa vẫn giữ được, thậm chí tăng đa số ghế của họ ở Thượng viện. Đây cũng là mục tiêu cốt lõi trong chiến dịch tranh cử của ông Trump trong giai đoạn nước rút này. Điều đó đảm bảo phe Cộng hòa tiếp tục nắm quyền quyết định thông qua các vị trí Thẩm phán Tòa án Tối cao và các tòa án liên bang.

Quốc hội Mỹ “đảo chiều”

Dù ít có khả năng xảy ra nhưng cũng không thể loại trừ viễn cảnh đảng Dân chủ giành được quyền kiểm soát cả 2 viện Quốc hội Mỹ.

Bởi vì phần lớn các nhà phân tích cho rằng, lượng cử tri theo đảng Dân chủ đi bỏ phiếu sẽ tăng vọt, đặc biệt là nhóm phụ nữ, bởi họ muốn “trả thù” cho thất bại cay đắng trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, khi tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp bị cho là một trong những nguyên nhân thất bại của bà Hillary Clinton, người giành được nhiều phiếu phổ thông hơn nhưng thua ông Trump vì ít phiếu đại cử tri. Một thực tế nữa là Tổng thống Trump dường như đã không mở rộng được “căn cứ chính trị” của mình sau chiến thắng sít sao 2 năm trước.

Khi đó, phe Dân chủ sẽ có cơ sở vững chắc hơn để thúc đẩy luận tội Tổng thống Trump. Chỉ cần đa số quá bán ở Hạ viện ửng hộ, kiến nghị luận tội sẽ được chuyển lên Thượng viện và Tổng thống sẽ bị cách chức nếu 2/3 Thượng viện ủng hộ điều đó.

Nhưng theo các thăm dò dư luận trước bầu cử, viễn cảnh tươi sáng nhất với phe Dân chủ vẫn là họ chỉ có thể kiểm soát được Hạ viện và vẫn “lép vế” ở Thượng viện.

Ông Trump có bị luận tội?

Câu hỏi lớn nhất khi viễn cảnh đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát cả 2 viện Quốc hội Mỹ là liệu họ có thúc đẩy việc luận tội Tổng thống Donald Trump như manh nha lâu nay hay không?

Trước hết, nếu chiến thắng, đảng Dân chủ chắc chắn sẽ chấm dứt cảnh Tổng thống Donald Trump “qua mặt” Quốc hội trong nhiều quyết sách và thắt chặt việc xem xét, phản bác những thay đổi chính sách của ông.

Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Trong viễn cảnh thực tế tốt nhất có thể xảy ra, đảng Dân chủ cũng không thể tiến gần tới việc có được đa số áp đảo để kết tội ông Trump mà không cần tới sự ủng hộ từ những nghị sỹ đảng Cộng hòa.

Mặc dù vậy, các chính trị gia đảng Dân chủ vẫn đưa viễn cảnh luận tội Tổng thống Trump vào cương lĩnh tranh cử.

“Tất cả họ đều nói về việc đó nên tôi tin lời họ” – Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence chia sẻ với CBN News hồi cuối tháng 8. Tuy nhiên, đó chỉ là “chiêu bài” của ông Pence để kêu gọi cử tri đảng Cộng hòa tích cực đi bỏ phiếu cho những ứng viên của đảng này.

Nếu phe Dân chủ chiến thắng, sẽ có thêm nhiều lời kêu gọi luận tội Tổng thống Donald Trump nhưng điều đó không có nghĩa rằng các nghị sỹ Mỹ thực sự khởi động tiến trình phức tạp này.

Phe Dân chủ ban đầu có thể thúc đẩy các cuộc điều tra về những bê bối bủa vây Tổng thống Donald Trump bởi họ kiểm soát các Ủy ban của Thượng viện.

Nhưng sẽ không có một kiến nghị luận tội nóng vội và chóng vánh nào xảy ra. Một số Hạ nghị sỹ Dân chủ từng đưa kiến nghị luận tội nhưng thất bại vì bản thân các lãnh đạo đảng Dân chủ cũng viện lý do rằng cuộc điều tra của Cố vấn đặc biệt Robert Mueller đối với cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ và khả năng đội ngũ tranh cử của ông Trump cấu kết với Moscow vẫn chưa kết thúc.

Việc luận tội Tổng thống Trump cần rất nhiều yếu tố, trong đó không thể không có kết quả điều tra của ông Mueller hay việc ông Trump có sa thải ông Mueller hay không.

Mọi chuyện rồi sẽ sáng tỏ. Cuộc điều tra của ông Mueller đến nay đã qua nửa nhiệm kỳ Tổng thống và không thể kéo dài mãi mãi. Khi sự thật dần sáng tỏ cũng là lúc cuộc đua Tổng thống Mỹ 2020 dần nóng lên và đó là lúc nước Mỹ sẽ có câu trả lời, bất kể ông Trump có bị luận tội hay không./.

 Theo VOV