Nga gài “đòn thế” Triều Tiên với Mỹ, Trung Quốc - Hình 1 

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Kyodo/Nikkei)

Tờ Nikkei Nhật Bản ngày 8/9 đưa ra một bài viết chủ yếu bàn về những tính toán, vai trò của Nga trong vấn đề Triều Tiên. Bài viết có xu hướng phê phán Nga, nhưng có nhiều vấn đề đáng tham khảo. Có những vấn đề chỉ là sự phỏng đoán, chúng tôi cung cấp cho độc giả thêm những góc nhìn khác về vấn đề Triều Tiên hiện nay.

Bài viết cho rằng trong bối cảnh Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giảm phát ngôn thì Tổng thống Nga Vladimir Putin lại nhiều lần lên tiếng phản đối trừng phạt đối với Triều Tiên.
Khi Trung Quốc đang đối mặt trực tiếp với sức ép từ Mỹ thì Nga hầu như có ý định lấy vấn đề Triều Tiên làm đòn thế để đối phó Mỹ thay cho Syria.

Trong vấn đề Triều Tiên, cộng đồng quốc tế rất quan tâm và chú ý đến thái độ của Trung Quốc và Nga. Trong bối cảnh này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xử lý một cách khôn khéo tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2017 ở Hạ Môn, Trung Quốc vừa qua.

Trong cuộc họp báo, ông Putin khẳng định, trừng phạt Triều Tiên là "vô ích", đồng thời ông còn đề cập đến các biện pháp “thù địch” của Mỹ - đóng cửa cơ sở ngoại giao của Nga, và đề cập đến vấn đề Ukraine - vấn đề diễn ra sự đối đầu giữa Nga với Âu - Mỹ. 

Ông Putin lên tiếng phê phán cho rằng Mỹ vừa tiến hành trừng phạt Nga vừa tìm kiếm sự ủng hộ của Nga trong vấn đề trừng phạt Triều Tiên là một việc làm thật là "ngốc nghếch".

Nga gài “đòn thế” Triều Tiên với Mỹ, Trung Quốc - Hình 2

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Daily Express)

Một quan chức thân cận chính phủ Nga ví von vấn đề Triều Tiên như "cơn mưa đúng lúc". Nga bị Âu - Mỹ trừng phạt do liên quan đến vấn đề Ukraine. Từ năm 2015, lấy danh nghĩa quét sạch tổ chức cực đoan "Nhà nước Hồi giáo" (IS), Nga can thiệp vào cuộc nội chiến Syria, coi đây là "đòn sát thủ" để đàm phán với Mỹ. 

Sau khi Mỹ và Nga tiến hành can thiệp quân sự ở Syria, vai trò ảnh hưởng của IS ngày càng suy giảm - đòn sát thủ đối phó Mỹ của Nga yếu đi. Đúng lúc này, vấn đề Triều Tiên lại xuất hiện và trở thành cơ hội mới rất tốt để Nga tận dụng đối phó Mỹ.

Nga có biên giới tiếp giáp với Triều Tiên, nhưng không sợ Triều Tiên xảy ra bất ổn và khủng hoảng như Trung Quốc. Nguồn tin thân cận chính phủ Nga cho hay: "Sự lo ngại lớn nhất của Nga là quân đội Mỹ không ngừng hiện diện ở Hàn Quốc và Nhật Bản”. 

Gần đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã liên tiếp tiến hành hội đàm với các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc. Khi hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, ông Putin còn bàn về quần đảo Nam Kuril – nơi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Nga đang hối thúc Nhật Bản từ bỏ "đi theo Mỹ".

Có quan điểm cho rằng nếu Mỹ buộc phải tập trung vào ứng phó với vấn đề Triều Tiên thì mức độ linh hoạt của ngoại giao Nga ở châu Âu và Trung Đông sẽ tăng lên.

Trong vấn đề Triều Tiên, Nga đã bảo đảm cho mình có được một vị trí tương đối thoải mái. Bởi vì, Mỹ đã chĩa mũi nhọn phê phán vào đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên - đó là Trung Quốc.

Nga gài “đòn thế” Triều Tiên với Mỹ, Trung Quốc - Hình 3

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: The Japan Times)

Nga được cho là không ngừng mở rộng xuất khẩu dầu mỏ cho Triều Tiên, nhưng quy mô thương mại còn khá nhỏ so với Trung - Triều. Ông Putin cho biết: "Xuất khẩu của Nga sang Triều Tiên hầu như bằng 0". Vì vậy, Nga không phải để ý nhiều đến người khác “nói ra nói vào”.

Trong quan hệ với Trung Quốc, vấn đề Triều Tiên cũng có lợi cho Nga. Trong bối cảnh khoảng cách giữa Nga và Trung Quốc ngày càng lớn, nhất là khi Trung Quốc đang đẩy mạnh triển khai xây dựng “Vành đai và Con đường”, Nga hy vọng lấy vấn đề Triều Tiên làm đòn bẩy, lôi kéo Trung Quốc làm "đối tác bình đẳng". 

Nikkei cho rằng Nga thông qua đứng về cùng một phía với Trung Quốc, lấy Trung Quốc làm lá chắn để phát động "tấn công" đối với Mỹ. Ý đồ này của Nga đã rất rõ ràng.

Quan chức ngoại giao châu Âu cho rằng chiến lược của Nga trong vấn đề Triều Tiên là "ngoại giao phô trương thanh thế". Tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc bàn về tăng cường trừng phạt đối với Triều Tiên, thái độ của Nga thực ra tùy thuộc vào Trung Quốc. 

Nhiều quan điểm cho rằng, nếu Trung Quốc đồng ý trừng phạt thì Nga cũng sẽ làm theo để họ tránh bị các nước cô lập. 

Khác với tình hình Syria nơi Nga có ảnh hưởng dựa vào chính quyền Bashar al-Assad, Nga không có kênh quan hệ trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. 

 Nga gài “đòn thế” Triều Tiên với Mỹ, Trung Quốc - Hình 4

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Toronto Star)

Phong Vân - VietTimes