Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can liên quan đến vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả với gần 600 nhãn hiệu.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả với 573 nhãn hiệu. 

Theo điều tra ban đầu, từ tháng 8/2021 đến nay, nhóm đối tượng đã thành lập Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Đồng thời, các nghi phạm huy động cổ đông thành lập thêm 9 công ty khác, tạo thành một “hệ sinh thái” chuyên sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả.

Các sản phẩm được gắn mác sữa dinh dưỡng dành cho người tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai. Tính đến nay, hệ thống công ty này đã tung ra thị trường 573 nhãn hiệu sữa bột, tiêu thụ hàng triệu hộp, thu lợi bất chính gần 500 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ việc, phóng viên Thương hiệu và Công luận đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP).

Theo Chủ tịch, vụ việc hai Công ty Rance Pharma và Hacofood Group bị phát hiện đưa ra thị trường tới 573 nhãn sữa bột gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thế nào tới lòng tin của người tiêu dùng đối với ngành sữa trong nước?

Ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội VATAP: Việc phát hiện hàng trăm sản phẩm sữa bột giả trên thị trường thời gian qua đã gây bức xúc trong dư luận. Điều đáng lo ngại là các sản phẩm này chủ yếu nhắm đến những nhóm người dễ tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, người bệnh và người có thu nhập thấp.

Các đối tượng làm giả đã lợi dụng tâm lý chuộng hàng giá rẻ và niềm tin vào hình ảnh quảng cáo từ người nổi tiếng để đưa sản phẩm ra thị trường. Thậm chí, một số sản phẩm còn xuất hiện trong đơn thuốc tại bệnh viện, làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng về tác động tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng.

Đây là hành vi không chỉ mang tính gian lận thương mại, mà còn đe dọa trực tiếp đến an toàn sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong bối cảnh người dân ngày càng phụ thuộc vào kênh mua sắm trực tuyến và các khuyến nghị trên mạng xã hội.

Vụ việc cho thấy sự cần thiết phải tăng cường kiểm soát thị trường, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm dinh dưỡng nhạy cảm, đồng thời nâng cao cảnh giác và ý thức lựa chọn sản phẩm của người tiêu dùng.

ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP).
ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP).

Tôi cho rằng, việc các cơ quan chức năng chỉ vào cuộc khi sản phẩm đã tràn lan trên thị trường là quá muộn. “Để 573 sản phẩm sữa giả giao dịch trong nước và quốc tế là rất nghiêm trọng. Tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải khẩn trương thu hồi toàn bộ các sản phẩm vi phạm để xử lý và tiêu hủy.

Với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam, ông có nhận định gì về mức độ phổ biến của hiện tượng làm giả, làm nhái sản phẩm sữa trên thị trường hiện nay?

Ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội VATAP: Tình trạng làm giả, làm nhái sản phẩm hiện nay diễn ra không chỉ đối với sữa bột mà còn phổ biến ở nhiều mặt hàng khác, đặc biệt là các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng như thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng và thực phẩm chăm sóc sức khỏe.

Hành vi làm giả hiện nay diễn ra dưới nhiều hình thức tinh vi, trong đó phổ biến nhất là làm giả về chất lượng sản phẩm và giả mạo nhãn hiệu. Cả hai dạng này đều là hành vi vi phạm pháp luật, đánh lừa người tiêu dùng, gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin và sức khỏe cộng đồng. Dẫn chứng cụ thể, gần đây, lực lượng chức năng tại TP.HCM đã phát hiện và thu giữ hàng loạt sản phẩm nước mắm không đạt chất lượng, không có công bố hoặc công bố nhưng không đúng quy định về an toàn thực phẩm. Đây là minh chứng cho thấy hành vi gian lận không chỉ xuất hiện ở sữa mà còn ở nhiều ngành hàng khác.

Tuy được dán nhãn khác nhau, các sản phẩm này thực tế được sản xuất từ cùng một công thức, một loại nguyên liệu, không qua kiểm nghiệm chất lượng, không đáp ứng tiêu chuẩn đã công bố. Các sản phẩm sữa bột giả do Công ty Rance Pharma và Hacofood Group sản xuất đều không được kiểm tra hàm lượng dinh dưỡng, không kiểm nghiệm dưỡng chất. Hơn nữa, doanh nghiệp gần như không kiểm nghiệm thực tế toàn bộ dưỡng chất trong sữa.

Thời gian qua, các doanh nghiệp sữa được tự công bố sản phẩm, tự công bố các chỉ tiêu chất lượng, hàm lượng thành phần dinh dưỡng, tính năng tác dụng và công dụng của sản phẩm mà không chịu sự quản lý kiểm tra, kiểm nghiệm cấp phép trước khi lưu hành... Chủ tịch có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội VATAP: Pháp luật hiện hành cho phép doanh nghiệp tự công bố sản phẩm theo quy định tại Thông tư 17/2018/TT-BYT và Thông tư 29/2020/TT-BYT. Tuy nhiên, bên cạnh việc yêu cầu doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hậu kiểm sau khi sản phẩm được đưa ra thị trường nhằm kịp thời phát hiện vi phạm.
"Chúng tôi đã kiến nghị Bộ Y tế yêu cầu các doanh nghiệp đăng tải đầy đủ thông tin công bố sản phẩm lên website chính thức và tích hợp vào app của Bộ. Qua đó, dữ liệu sẽ được kết nối với các bộ, ngành khác để người dân và cơ quan chức năng có thể kiểm tra mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc hàng hóa một cách minh bạch, dễ dàng. Người tiêu dùng cần cảnh giác khi lựa chọn sản phẩm, đặc biệt là không nên mua theo cảm tính hay tin tưởng hoàn toàn vào quảng cáo của người nổi tiếng. Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, người tiêu dùng nên mua hàng trên các sàn thương mại điện tử uy tín, đã được cấp phép, hoặc tại các cửa hàng có địa chỉ rõ ràng, chứng từ hợp lệ. Người tiêu dùng cần thông thái, nhất là khi mua các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như sữa, thực phẩm chức năng hay thuốc. Nếu không kiểm tra kỹ, mua phải hàng giả, hàng nhái thì lỗi một phần cũng đến từ sự chủ quan của chính người tiêu dùng

Theo Chủ tịch, các quy định pháp lý hiện hành đã đủ sức răn đe các hành vi sản xuất, buôn bán sữa giả hay chưa? Cần thiết phải siết chặt theo hướng như thế nào?

Ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội VATAP: Hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm hiện nay về cơ bản đã đầy đủ, với nền tảng là Luật An toàn thực phẩm. Tuy nhiên, trong bối cảnh tội phạm sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi, nhiều quy định pháp lý hiện hành chưa theo kịp thực tiễn.Các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật chưa được cập nhật kịp thời để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Trong khi đó, quy trình sửa đổi, bổ sung pháp luật lại mất nhiều thời gian.

Dẫn chứng, Nghị định 15/2018/NĐ-CP – văn bản hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm – đã được đưa vào lộ trình sửa đổi. Ban soạn thảo đã triển khai theo quy trình rút gọn, được Chính phủ cho phép thực hiện nhanh. Tuy nhiên, nhiều tháng trôi qua, nghị định mới vẫn chưa được ban hành. Tại các cuộc họp góp ý, tôi đã nhiều lần kiến nghị rằng việc sửa đổi là cần thiết, bởi Nghị định 15 hiện nay còn tồn tại không ít kẽ hở, chưa theo sát thực tiễn. Nếu chậm trễ trong cập nhật chính sách, công tác đấu tranh chống hàng giả sẽ gặp nhiều khó khăn và người tiêu dùng tiếp tục là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề.

Sau vụ việc chấn động này, Hiệp hội có kiến nghị gì để tăng cường giám sát hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp chân chính bảo vệ thương hiệu và sản phẩm của mình?

Các doanh nghiệp cần chủ động tự rà soát, chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật hiện hành.Đặc biệt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, doanh nghiệp cần tự đánh giá lại quy trình hoạt động, đảm bảo sản xuất đúng chất lượng đã công bố. Quan trọng hơn, phải đặt lợi ích và sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu, thể hiện rõ trách nhiệm xã hội. Khi cơ quan chức năng kiểm tra mới phát hiện vi phạm là quá muộn. Khi đó, doanh nghiệp không chỉ bị thu hồi toàn bộ lợi nhuận bất chính mà còn có thể đối mặt với trách nhiệm hình sự và sự phản ứng mạnh mẽ từ xã hội.

Bên cạnh đó tôi cũng đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh công tác hậu kiểm, đặc biệt đối với các nhóm sản phẩm nhạy cảm như sữa, thuốc, thực phẩm chức năng – những mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Hậu kiểm thường xuyên, kịp thời sẽ giúp phát hiện, ngăn chặn và xử lý hiệu quả các hành vi vi phạm, góp phần giữ vững niềm tin của người tiêu dùng vào thị trường hàng hóa trong nước.

Trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

BBT