Những hành vi gian lận
Nhiều mặt hàng XK tăng đột biến như xơ sợi tăng 92%, điện và thiết bị điện 172%, 37 mặt hàng tăng trên 30%... tiềm ẩn nguy cơ gian lận xuất xứ.
Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Chu Thắng Trung cho biết, hành vi gian lận xuất xứ chỉ xuất phát khi có lợi ích cho DN đủ lớn để dẫn đến DN có hành vi gian lận. Lợi ích này đến từ việc chênh lệch thuế suất. Chênh lệch thuế có thể đến từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), từ các biện pháp phòng vệ thương mại mà các nước áp với nước thứ 3. Trước đây, những hành vi gian lận xuất xứ rất hiếm xảy ra. Nhưng hiện nay, khi xung đột thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tiếp tục diễn biến phức tạp, thì gian lận xuất xứ là một trong những vấn đề nổi cộm.
Ngoài yếu tố trên, còn có yếu tố cơ chế quản lý hàng hóa XNK mỗi nước khác nhau. Ví dụ, Hoa Kỳ cho phép cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, tức là đôi lúc hàng hóa XK không cần có C/O để XK sang Hoa Kỳ, mà thay vào đó DN XK sang Hoa Kỳ phải tự chịu trách nhiệm về việc khai báo. Đối với trường hợp này, dù chúng ta có thắt chặt công tác quản lý xuất xứ hàng hóa, thì việc XK sang Hoa Kỳ theo cơ chế đó vẫn có những kẽ hở.
Thực tế, có rất nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau về gian lận xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, hàng hóa được nhà XK chuyển qua Việt Nam, nhưng khi XK đi nước khác mà không có sự thay đổi nào về vật lý, nói cách khác là sản phẩm vẫn như vậy.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhận định, trong bối cảnh thương mại thế giới đang diễn biến phức tạp mà nổi lên là xu hướng bảo hộ thương mại, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã tác động không nhỏ đến Việt Nam, một nền kinh tế mở với 12 FTA đã có hiệu lực, 1 FTA đã ký và 3 FTA đang đàm phán…
Thép chống ăn mòn có nguy cơ cao bị áp dụng biện pháp PVTM
Đánh giá năng lực doanh nghiệp
Trước nguy cơ bị mượn đường và hàng hóa nước ngoài lợi dụng để đội lốt, giả mạo xuất xứ Việt Nam để XK sang các nước đối tác trong các FTA mà Việt Nam là thành viên để hưởng thuế suất ưu đãi, Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt và sát sao các cơ quan chức năng, các bên có liên quan về vấn đề này.
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” (4/7/2019).
Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan đang tích cực có các hoạt đông phối hợp: Rà soát các quy định pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước về xuất xứ để thắt chặt hơn việc kiểm tra, giám sát hành vi gian lận; tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về xuất xứ trong thực tế; phối hợp với các cơ quan chức năng nước ngoài để tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát…
Thời gian tới, lực lượng hải quan sẽ rà soát, đánh giá năng lực sản xuất của từng DN có hoạt động XK sang Hoa Kỳ để phân tích rủi ro, lựa chọn những DN cần phải kiểm tra kỹ lưỡng.
Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành, nghiên cứu ban đầu của hải quan sẽ tập trung trước hết vào những mặt hàng có đột biến, những mặt hàng tăng trưởng từ 15% trở lên. Ngoài ra, nhóm hàng như điện, điện tử, linh kiện điện tử vẫn trong nhóm có nhiều nguy cơ gia tăng. Ngay cả những mặt hàng thủ công như gỗ, tưởng là thế mạnh của Việt Nam, nhưng đang có biểu hiện gian lận.
Phía cơ quan hải quan cũng đang nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực hải quan nhằm đảm bảo các chế tài đủ sức răn đe.
Ngoài ra, Tổng cục Hải quan tiếp tục tăng cường các biện pháp đấu tranh chống gian lận C/O, chuyển tải bất hợp pháp, trong đó sẽ có thống kê về các vụ việc gian lận, có dấu hiệu chuyển tải bất hợp pháp vào thị trường Hoa Kỳ và sẽ có kết quả báo cáo vào cuối năm.
Hà Trần