Theo đó, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa điều chỉnh giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,1%/năm đối với tiền gửi tại quầy kỳ hạn từ 1-5 tháng dành cho khách hàng cá nhân. Cụ thể, Agribank điều chỉnh lãi suất ngân hàng kỳ hạn 1-2 tháng còn 2,1%/năm; lãi suất kỳ hạn 3-5 tháng mới nhất là 2,4%/năm; Lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 6-24 tháng được giữ nguyên. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 6-11 tháng là 3,5%/năm; kỳ hạn 12-18 tháng 4,7%/năm; kỳ hạn 24 tháng 4,8%/năm.

Agribank đang duy trì lãi suất tại quầy bằng với lãi suất huy động trực tuyến đối với các kỳ hạn từ 12-24 tháng.

Lãi suất huy động trực tuyến cao hơn 0,2-0,6%/năm so với huy động tại quầy. Cụ thể, lãi suất ngân hàng huy động trực tuyến kỳ hạn 1-2 tháng là 2,4%/năm, kỳ hạn 3-5 tháng 3,7%/năm, kỳ hạn 6-11 tháng 3,7%/năm.

Như vậy, trong nhóm ngân hàng Big4 (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) thì Agribank là ngân hàng đang áp dụng lãi suất huy động cao nhất ở các kỳ hạn dưới 24 tháng.

Trước đó, BIDV là ngân hàng Big4 đầu tiên trong tháng 3 giảm lãi suất huy động tại quầy. BIDV và VietinBank đang niêm yết tiền gửi trực tuyến kỳ hạn từ 24 tháng ở mức 4,9%/năm và 5%/năm.

Theo thống kê, tính từ đầu tháng 3 đến nay có 19 ngân hàng thương mại trong nước điều chỉnh giảm lãi suất huy động, bao gồm: Kiên Long, Bắc Á, Việt Á, PGbank, Lộc Phát, SHB, Nam Á, VIB, VCBNeo, Eximbank, BIDV, Techcombank, Vikki, MBV, OCB, Vietinbank, Agribank, An Bình…

Còn tính từ ngày 25/2, sau cuộc họp của NHNN với các NHTM trong nước, thì đã có 24 ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất với mức giảm từ 0,1-1,05%/năm tuỳ từng kỳ hạn.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Dưới góc độ người gửi tiền, cá nhân và tổ chức đều mong muốn nhận lãi suất cao. Nhưng với vai trò người đi vay vốn, doanh nghiệp và người dân luôn mong muốn được vay với lãi suất thấp. Thực tế, trên 50% dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD) hiện nay là cho vay trung và dài hạn, trong khi 82% nguồn vốn của các ngân hàng là vốn ngắn hạn.

“Các TCTD căn cứ vào nhu cầu tín dụng trên địa bàn để định hình lãi suất huy động và lãi suất cho vay. NHNN đã chỉ đạo các TCTD thường xuyên tiết giảm chi phí hoạt động, áp dụng các công nghệ, chuyển đổi số trong cho vay”, ông Quang nói.

Cũng theo ông Phạm Chí Quang, trong hai năm 2023-2024, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 2,3%. Trong 3 tháng đầu năm nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 0,6%. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng. Mặc dù vậy, thời gian qua một số TCTD do cạnh tranh không bình đẳng đã đẩy mặt bằng lãi suất huy động lên cao, tác động lớn đến lãi suất cho vay. Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện yêu cầu ngành ngân hàng nghiêm túc thực hiện việc hạ lãi suất.

Thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay, hỗ trợ nền kinh tế.

PV (t/h)