Lượng tiền gửi của người dân đang tăng chậm lại. Hiện có khoảng 5,3 triệu tỷ đồng tiền gửi của người dân tại các ngân hàng thương mại, tăng thêm 3% so với cuối năm 2020. Tuy nhiên, tốc độ tăng đang chậm dần.

Nếu trước khi có dịch Covid-19, lượng tiền gửi tăng trung bình khoảng 10% mỗi năm, thì năm 2021, mức tăng chỉ còn 3%.

Tuy nhiện hiện với nhiều ngân hàng thương mại, tăng lãi suất không phải là cách duy nhất để họ có được lượng tiền gửi.

Ngân hàng
Ngân hàng "chạy đua" thu hút tiền gửi.

Hai tháng đầu năm nay, lượng tiền gửi vào ngân hàng VP Bank tăng 10% so với thời điểm cuối năm 2021, do nhiều người dân vẫn chọn gửi tiết kiệm để tránh rủi ro như các kênh đầu tư khác, phần vì để giao dịch thanh toán thuận tiện hơn.

Ngoài giữ được mức lãi suất tiền gửi cạnh tranh, việc đầu tư cho hàng trăm máy nộp tiền tự động giúp người dân có thể gửi tiền thuận tiện hơn được xem là giải pháp quan trọng giúp ngân hàng có thể thu hút được lượng tiền gửi có kỳ hạn.

Trước áp lực cạnh tranh từ cách kênh đầu tư, đại diện ngân hàng này cho rằng các nhà băng sẽ phải chăm sóc khách hàng một cách chủ động hơn, từ việc thường xuyên tổ chức khuyến mãi cho đến đầu tư mở rộng hệ sinh thái dịch vụ.

Theo giới quan sát, thu hút tiền gửi không kỳ hạn ở tài khoản thanh toán (CASA) sẽ là cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các ngân hàng vì còn nhiều dư địa.

Có thể thấy, không ít người dân vẫn lựa chọn gửi ngân hàng như một kênh đầu tư an toàn. Bởi đầu tư chứng khoán hay buôn bán đất không phải ai cũng thắng, còn gửi ngân hàng, nhiều người vẫn nói vui là không phải đau đầu tính toán, cứ ngồi chơi cũng có mức lãi từ 6 - 7%/năm.

Đại diện ngân hàng cho biết, lượng tiền gửi không kỳ hạn của các ngân hàng tăng nhanh và chia sẻ một phần áp lực cho ngân hàng khi các khoản tiết kiệm chuyển dịch sanh kênh đầu tư khác. Tại một số ngân hàng, lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) chiếm tới một nửa tổng lượng vốn huy động được.

Trúc Mai