Tại dự thảo tờ trình đến Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính có đưa kiến nghị rà soát sửa đổi, bổ sung quy định đối với thu nhập của cá nhân từ hoạt động đầu tư/chuyển nhượng chứng khoán phái sinh; sửa đổi, bổ sung quy định về thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân.
Bộ cho biết hiện thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng vốn được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các chi phí liên quan.
Đối với chuyển nhượng vốn thì các cá nhân phải nộp thuế với mức thuế suất 20% trên thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Tuy nhiên, nếu cá nhân cố tình kê khai giá bán bằng với giá mua thì sẽ không phát sinh thu nhập nên không phải nộp thuế.
Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng chứng khoán được xác định là giá chuyển nhượng từng lần và cá nhân chuyển nhượng phải nộp thuế theo tỷ lệ % trên giá chuyển nhượng. Quy định này nhằm đảm bảo sự đơn giản, minh bạch của chính sách, giảm chi phí tuân thủ cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế.
Trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính nhận thấy có ý kiến cho rằng việc thu thuế 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần kể cả trường hợp cá nhân bị lỗ là chưa phù hợp, cần xác định phương pháp thu thuế trên thu nhập của cá nhân, nếu có lãi thì mới nộp thuế.
Từ thực tiễn thực hiện thời gian qua, cũng như xu hướng, kinh nghiệm của các nước thời gian gần đây, cơ quan này cho rằng cần thiết nghiên cứu để quy định rõ thu nhập chịu thuế, tỷ lệ thu thuế (trên doanh thu chuyển nhượng từng lần) đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn.
Việc điều chỉnh theo hướng này cũng sẽ đảm bảo tính thống nhất, tương thích với nội dung sửa đổi, bổ sung phương pháp thu thuế theo tỷ lệ % thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài.
Cũng theo tờ trình của Bộ Tài chính, về rà soát sửa đổi, bổ sung quy định đối với thu nhập của cá nhân từ hoạt động kinh doanh chứng khoán phái sinh (CKPS). Theo quy định hiện hành, đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, thu nhập chịu thuế được xác định là giá chuyển nhượng từng lần với thuế suất 0,1%.
Mặc dù Luật Chứng khoán năm 2019 quy định chứng khoán bao gồm cổ phiếu, trái phiếu, CKPS và các loại chứng khoán khác. Tuy nhiên có sự khác biệt về bản chất giữa chứng khoán cơ sở và CKPS, cụ thể: giá trị của CKPS phụ thuộc vào giá trị của một hoặc nhiều loại tài sản cơ sở; nhà đầu tư nắm giữ CKPS không được hưởng các quyền cổ đông như khi nắm giữ chứng khoán cơ sở.
Trên thị trường phái sinh không diễn ra các giao dịch chuyển nhượng toàn bộ giá trị giao dịch và chuyển giao tài sản từ bên bán cho bên mua như thị trường cơ sở. Việc thanh toán chuyển giao giữa các nhà đầu tư chỉ là giá trị chênh lệch giá (lãi/lỗ).
Thời gian qua, với sự hoàn thiện về khung khổ pháp lý, thị trường CKPS trong nước đã có sự phát triển nhanh trên nhiều mặt, bao gồm cả quy mô giao dịch, các loại hình công cụ giao dịch và thị trường CKPS đã trở thành một bộ phận quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Do vậy, Bộ Tài chính kiến nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định riêng về thuế thu nhập cá nhân đối với CKPS để đảm bảo phù hợp với thực tiễn cũng như đặc thù của hoạt động này, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế cũng như cơ quan thuế trong quá trình tổ chức thực hiện. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước đều dần chuyển sang đánh thuế dựa trên thu nhập thực đối với CKPS (Anh, Pháp, Đức, Lucxembourg, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Canada, Thái Lan).
Sửa đổi quy định kỳ tính thuế với thu nhập chuyển nhượng chứng khoán
Điều 7 Luật thuế TNCN quy định kỳ tính thuế theo năm áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán. Tuy nhiên, tại khoản 5, khoản 7 Điều 2 Luật số 71/2014/QH13 đã sửa đổi quy định về thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân, theo đó thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán nộp thuế theo từng lần chuyển nhượng, không quyết toán lại theo năm.
Do vậy, Bộ đề xuất nghiên cứu sửa đổi quy định kỳ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán tại Điều 7 Luật thuế TNCN (tính theo năm) trong trường hợp vẫn duy trì cách xác định thu nhập chịu thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán như hiện nay.
An Nguyên (t/h)