Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phát đi văn bản số 8253/NHNN-CSTT gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), các chi nhánh ngân hàng nước ngoài về tăng trưởng tín dụng năm 2022, một số ý kiến cho rằng: Việc NHNN sẽ xem xét nới room tiếp từ nay tới cuối năm là khó khả thi dù tình trạng cạn kiệt nguồn vốn đang rất khó khăn; đồng thời đề xuất NHNN cần điều hành room tín dụng linh hoạt hơn năm 2023.
Cụ thể, trong văn bản số 8253, NHNN yêu cầu các TCTD còn hạn mức tăng trưởng tín dụng chủ động cân đối điều hòa nguồn vốn, tỷ lệ đảm bảo an toàn, tích cực giải ngân tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên như: Nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Trong năm 2022, NHNN đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%. Đến cuối tháng 08/2022, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt gần 10%. Trước việc nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) cạn room (hạn mức tín dụng), đầu tháng 09/2022 NHNN đã tăng hạn mức tín dụng cho 15 NHTM với mức tăng 1 - 4%. Việc điều chỉnh room tín dụng của ngân hàng dựa trên đơn đề nghị của các ngân hàng thương mại và căn cứ điểm xếp hạng của NHNN.
Việc thông báo và điều chỉnh tăng trưởng tín dụng đối với các TCTD trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động của các tổ chức này, đảm bảo góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ đồng thời khuyến khích các TCTD nâng cao khả năng quản trị kinh doanh, an toàn hoạt động, góp phần lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.
Đại diện NHNN khẳng định, luôn luôn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), hiện dư nợ cho vay và tổng huy động gần như tương đương nhau, các ngân hàng đang rất khó khăn về hệ số an toàn vốn.
Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký VNBA phân tích: “Ngay cả khi NHNN có nới thêm room tín dụng, ngân hàng thương mại cũng không đủ vốn để cho vay thêm. Phải nhìn nhận rất thực tế rằng, chúng ta khó khăn trong việc tiếp cận vốn là do khó khăn từ thị trường trái phiếu bị tê liệt. Do đó, để gỡ nghẽn cho nền kinh tế, phải tập trung gỡ nghẽn cho thị trường trái phiếu".
Công Huy (t/h)