Ngân hàng dè dặt

Theo kết quả thanh tra từ Bộ Tài chính, tỷ lệ bỏ ngang hợp đồng bảo hiểm bán qua kênh ngân hàng sau năm đầu tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đang ở mức cao, dao động trong khoảng từ 32 – 57%.

Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, qua thanh tra, nhiều nhân viên ngân hàng thực hiện hoạt động bán bảo hiểm dù chưa được cấp chứng chỉ đào tạp đại lý bảo hiểm hoặc chưa được công ty chứng nhận hoàn thành khóa học về sản phẩm bảo hiểm liên kết chung.

Hàng loạt sai phạm liên quan đến kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của các ngân hàng trong năm 2023.

Tại SeA Bank, doanh thu từ bán bảo hiểm qua ngân hàng giảm tới 73% trong năm 2023. Các ngân hàng khác như Techcombank, TPBank hay VIB cũng rơi vào tình cảnh tương tự với mức giảm lần lượt là 62%, 57% và 33%.

Bước sang năm 2024, thị trường bán bảo hiểm qua ngân hàng được cho là vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Tại đại hội cổ đông năm nay, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB thừa nhận thị trường bán bảo hiểm qua ngân hàng năm 2024 sẽ tiếp tục chứng kiến mức sụt giảm trong bối cảnh thị trường bảo hiểm gặp khó khăn chung và cái nhìn về bán bảo hiểm qua ngân hàng của người tiêu dùng vẫn còn đang thiếu tích cực.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng MB Lưu Trung Thái cũng dự báo hoạt động kinh doanh của công ty tài chính tiêu dùng, công ty bảo hiểm thuộc ngân hàng sẽ còn khó khăn trong năm nay.

Trước tình hình trên, nhiều ngân hàng cũng “dè dặt” hơn trong việc đề ra mức tăng trưởng của kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng trong năm 2024. Đơn cử như ACB sẽ giữ mức như năm 2023 chứ không đặt mục tiêu tăng trưởng về bán bảo hiểm qua ngân hàng.

MB, ngân hàng từng xem bán bảo hiểm qua ngân hàng là động lực tăng trưởng chính, cũng đã điều chỉnh chiến lược hoạt động trong năm 2024 để nhằm thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận. Theo đó, trong năm 2024, MB sẽ đặt trọng tâm chính vào mảng bán lẻ, SME, ngân hàng số,… cho kế hoạch lợi nhuận hơn 28.800 tỷ đồng.

Nỗ lực lấy lại niềm tin

Để khôi phục lại niềm tin, nhiều ngân hàng đã bắt đầu tiếp cận kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng theo những hướng đi mới.

Ngân hàng ACB hiện tách bạch mảng tư vấn và giới thiệu dịch vụ bảo hiểm. Theo đó, tất cả nhân viên của ngân hàng chỉ là người giới thiệu còn đội ngũ tư vấn phải là những người chuyên nghiệp, được đào tạo và cấp chứng chỉ của Bộ Tài chính.

Ngoài ra, tất cả tư vấn ngân hàng đều được ghi âm và 21 ngày sau khi khách hàng đăng ký hợp đồng, bộ phận kiểm soát phía sau sẽ gọi điện xác nhận, khách hàng có thể hủy hợp đồng nếu còn phân vân.

Kênh bancassurance gặp khó khiến lợi nhuận của nhiều ngân hàng sụt giảm.

Kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng gặp khó khiến lợi nhuận của nhiều ngân hàng sụt giảm

Lãnh đạo VIB cũng cho biết ngân hàng thường xuyên thanh tra, giám sát hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng để kịp thời phát hiện và xử lý sai phạm phát sinh. VIB cũng hợp tác với Prudential để soạn thảo bộ quy định về ứng xử với khách hàng tham gia bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Cùng với đó, Chính phủ cũng đang mạnh tay trong việc “thanh lọc” lại thị trường bán bảo hiểm qua ngân hàng. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, khi Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đi vào thực tiễn trong tháng 7 tới, hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, từ đó giúp lấy lại niềm tin của người dân, khách hàng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng có kế hoạch thanh tra 6 doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2024, trong đó có thanh tra hoạt động bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là Mirae Asset Prévoir và Cathay Life Việt Nam.

Vào cuối tháng 3/2024 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cũng có dự thảo dự định không cho phép ngân hàng thương mại bán sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, vì dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng với các sản phẩm huy động vốn, ủy thác đầu tư.

T. Hương (Nguồn: https://tiepthigiadinh.vn/)