“Ngấm đòn” Covid-19
Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành hàng không thế giới, con số thiệt hại đến hết tháng 4/2021 ước tính đạt hơn 130 tỷ USD.
Cũng theo báo cáo từ IATA, tình hình dịch bệnh có tác động mạnh nhất tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc và các chuyến bay từ đất nước này. Ước tính các doanh nghiệp Trung Quốc đã thiệt hại hơn 22 tỷ USD (-26% YoY), kéo theo các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan cũng bị ảnh hưởng.
Theo thống kê, những tác động từ vụ khủng bố 11/09 và khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 mặc dù đã đem lại cho ngành hàng không rất nhiều tác động tiêu cực, tuy nhiên ảnh hưởng này vẫn không thể so sánh được với mức giảm gây ra bởi dịch Covid -19. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ lượng khách luân chuyển toàn cầu chỉ đạt 20% - 30% so với thời điểm năm 2019.
Trước diễn biến dịch Covid-19, Chính phủ nhiều quốc gia đã thắt chặt các quy định để kiểm soát như giãn cách, phong tỏa và đặc biệt cẩn trọng với vấn đề nhập cảnh, điều này đã khiến cho lượng khách quốc tế của các hãng hàng không bắt đầu sụt giảm vào tháng 2/2020. Quan sát thấy, sự phục hồi diễn ra với tốc độ chậm chạp, so với thời điểm này một năm trước chỉ có một số thị trường chính có khả năng tăng nguồn cung như Mỹ, Pháp. Tuy nhiên, con số này vẫn còn ở khoảng cách khá xa so với thời kỳ trước dịch năm 2019.
Nhiều hãng hàng không tiếp tục đối mặt với nguy cơ phá sản dù Chính Phủ đã tung ra các gói cứu trợ. Cụ thể, nhu cầu đi lại sụt giảm đã khiến các hãng hàng không trên thế giới cắt giảm chi phí vận hành để tiếp tục hoạt động. Theo báo cáo từ IATA, tính đến hết năm 2020 đã có hơn 400 nghìn việc làm trong ngành hàng không bị cắt giảm, chủ yếu rải từ cuối Quý II/2020 đến hết năm.
Tính đến hết Quý I/2021, tổng mức hỗ trợ của các Chính phủ các nước đối với ngành hàng không đã đạt hơn 80 tỷ USD thông qua nhiều hình thức như giảm thuế thu nhập, thuế nhiên liệu hoặc hỗ trợ vay vốn.
Mặc dù vậy, số doanh nghiệp hàng không phá sản trong năm 2020 theo ước tính từ IATA vẫn cao hơn so với thời điểm khủng hoàng tài chính toàn cầu năm 2008. Con số này được kỳ vọng sẽ giảm xuống trong các năm tới sau khi dịch bệnh được kiêm soát và nhu cầu đi lại phục hồi.
Chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, năm 2020 các hãng hàng không nội địa chỉ khai thác 216 nghìn chuyến bay trong 2020, giảm hơn 33% so với 2019. Theo quy định về phòng chống dịch bệnh, khách quốc tế đến Việt Nam phải cách ly ít nhất 14 ngày trong năm 2020. Điều này đã tác động mạnh lên sản lượng khách quốc tế cập cảng hàng không và chưa có dấu hiệu phục hồi. Tổng sản lượng trong năm vừa qua của đối tượng khách này chỉ đạt 3,2 triệu người, tương đương giảm hơn 80% so với 2019.
Theo đánh giá từ Cục hàng không Việt Nam, việc cắt bỏ toàn bộ đường bay đến Trung Quốc đồng nghĩa mức thiệt hại hơn 8 triệu lượt khách mỗi năm. Trước diễn biến này, các hãng hàng không đã buộc phải đưa nhiều nhiều biện pháp như giảm giá dịch vụ để kích cầu du lịch.
Tận dụng cơ hội trong khó khăn
Theo báo cáo gần nhất của IATA, tổng sản lượng khách sử dụng dịch vụ hàng không ước tính trong năm 2021 sẽ chỉ đạt được trên 50% so với mức trước khi đại dịch diễn ra. Con số này sẽ được kỳ vọng sẽ cải thiện lên 88% vào năm 2022 và hồi phục hoàn toàn vào năm 2023. Những con số trên đã cho thấy còn rất nhiều khó khăn đang chờ đợi các hãng hàng không ở phía trước, tuy nhiên trong ngắn hạn vẫn tồn tại một số cơ hội mà các doanh nghiệp có thể tận dụng để cải thiện tình hình.
Có thể kể đến “Hộ chiếu vaccine”, ý tưởng có thể sẽ được cơ quan quản lý chấp thuận khi dịch bệnh trên thế giới dần được kiểm soát vào cuối Quý III/2021. Đây là một loại chứng nhận được cấp cho những người đã hoàn thành việc tiêm vaccine Covid-19, cho phép những người sở hữu nó bỏ qua được các khâu cách ly hoặc xét nghiệm khi nhập cảnh. Việc áp dụng dịch vụ này sẽ giúp gia tăng nhu cầu với các đường bay quốc tế, vốn đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ thời điểm dịch bệnh diễn ra.
Một tín hiệu tích cực nữa, đó là việc một số đường bay quốc tế đã được mở lại. Từ thời điểm 01/04/2021, hãng Vietnam Airlines đã mở lại 4 đường bay quốc tế với từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến Hàn Quốc (Seoul), Nhật Bản (Tokyo) và Úc (Sydney). Các hãng hàng không khác như Vietjet hay Bamboo cũng cho biết sẵn sàng bay quốc tế trở lại với các thị trường như Đông Nam Á và Đông Bắc Á nếu được cấp phép.
Bên cạnh đó, thị trường nội địa đang dần hồi phục. Theo đó, trong năm 2020 tổng số chuyến bay (bao gồm cả các hang hàng không nước ngoài) tại Việt Nam đạt 340.000 chuyến, giảm 32% so với cùng kỳ. Bước sang năm 2021, thị trường này đã có những nhịp hồi phục khi một số dịp lễ trọng điểm vừa qua như 30/04 – 01/05 không còn chịu ảnh hưởng của việc cách ly xã hội. Dù hiện tại. tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn ra căng thằng, nhiều tình thành đang phải thực hiện các lệnh giãn cách, hạn chế đi lại. Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã thông báo sẽ cố gắng hoàn thành việc tiêm vaccine cho 70% dân số vào cuối năm, điều này sẽ giúp thúc đẩy du lịch và giúp các hãng hàng không cải thiện kết quả lợi nhuận.
Về hạ tầng cảng hàng không, trong nửa đầu năm 2021, ngành hàng không đã hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào khai thác giai đoạn 1 dự án cải tạo đường cất - hạ cánh tại cả 2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Hiện tại, giai đoạn 2 dự án cải tạo đường cất hạ cánh 1B Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng đang được gấp rút thi công và dự kiến sẽ hoàn thành đúng kế hoạch trong tháng 7/2021. Khi hoàn thành sửa chữa, 2 sân bay lớn nhất nước được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu khai thác trở lại của các hãng hàng không.
Hưng Khánh