Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm "Đối tác công - tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo, triển khai Đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp" vào chiều 30/01/2024 do Bộ NN&PTNT tổ chức.

Phát biểu tại tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết: Bên cạnh các nỗ lực từ phía các cơ quan Chính phủ để phát triển các chính sách mở, tạo ra môi trường thuận lợi để phát triển nông nghiệp xanh và bền vững, Việt Nam coi trọng vai trò tham gia và đồng hành của khu vực tư nhân, hỗ trợ của các đối tác quốc tế, các tổ chức quốc tế và khu vực, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu và các chuyên gia trong nước và quốc tế.

“Địa phương đã có những nguồn lực tài chính và phi tài chính, điều cần làm hiện nay là tranh thủ nguồn lực đó, cùng với sự ủng hộ tại cơ sở để tăng cường tính liên kết của các hợp tác xã (HTX), đóng góp vào quá trình triển khai Đề án”, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nói.

Tọa đàm
Tọa đàm "Đối tác công - tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo, triển khai đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp". Ảnh VGP/Đỗ Hương.

Theo bà Cherie Tan, đại diện Tập đoàn Bayer, có 03 yếu tố quan trọng cần quan tâm là công nghệ, thị trường và chính sách để có được những thay đổi hiệu quả đối với các nông hộ nhỏ trong chuyển đổi ngành hàng lúa gạo.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đã đến lúc phải chuyển đổi từ cam kết sang hành động để triển khai hiệu quả Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.

Ông Paavo Eliste, Ngân hàng thế giới chúc mừng Bộ NN&PTNT đã ban hành Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải với sự quan tâm lớn của cộng đồng thế giới. Với đề án này, Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia đầu tiên sản xuất lúa phát thải thấp. Ông Paavo Eliste cho biết: WB luôn sẵn sàng hỗ trợ Bộ NN&PTNT trong quá trình thực hiện Đề án.

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, các đại biểu cũng thảo luận về vai trò của các bên có liên quan và các tác nhân trong chuỗi lúa gạo và ghi nhận các ý kiến cũng như thống nhất kế hoạch hoạt động triển khai đề án 1 triệu ha lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long, cuối cùng là nêu ra các hành động ưu tiên trong ngắn hạn và dài hạn.

Trước bối cảnh ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức, khó khăn và yêu cầu phải chuyển mình, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: "Chúng tôi cần huy động các nguồn lực và tiến bộ kỹ thuật, một trong các công cụ quan trọng là Mạng lưới Đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm tại Việt Nam (FIHV) được thành lập theo sáng kiến của Diễn đàn kinh tế Thế giới (WEF)".

Hiện vị thế của ngành lúa gạo Việt Nam đang được củng cố và nâng cao hơn bao giờ hết, không chỉ từ những con số ấn tượng về sản lượng và giá trị xuất khẩu mà còn thể hiện ở những phản hồi tích cực của người tiêu dùng thế giới về gạo Việt. Lúa gạo là một trong những ngành có kinh ngạch xuất khẩu lớn, năm 2023 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt hơn 8,1 triệu tấn, với kim ngạch gần 4,7 tỷ USD.

Mạng lưới Đổi mới sáng tạo lương thực, thực phẩm tại Việt Nam (FIHV) được thành lập ngày 19/12/2023, với mục tiêu phát triển ngành lương thực, thực phẩm của Việt Nam theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao trên cơ sở tăng cường mối liên kết, hợp tác, chia sẻ các sáng kiến đổi mới sáng tạo và công nghệ hiện đại.

Mục tiêu của FIHV là liên kết các mạng lưới đổi mới trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy việc sử dụng công nghệ số để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh. Bộ trưởng bày tỏ kỳ vọng, FIHV sẽ giúp mở rộng quy mô và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung để trở thành một cường quốc nông sản thực phẩm "xanh", bền vững và ít phát thải.

Minh An (t/h)