Một nghịch lý đang diễn ra là, dù các DN sản xuất mía đường trong nước đang phải đối mặt với lượng đường tồn kho chồng chất, nhưng hàng năm Bộ Công Thương vẫn cấp quota nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn đường về nước với giá rẻ khiến cả ngành mía đường và người nông dân rơi vào thua lỗ, nguy cơ phá sản.


Đứng trước 2 sự lựa chọn

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã tổ chức cuộc họp gấp với các DN mía đường để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn. Song, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, nguyên nhân khiến lượng đường tồn kho cao là do lượng đường tạm nhập tái xuất cùng với đường nhập lậu diễn ra khắp nơi trên cả nước. Vì vậy, trước tình hình nan giải trên, VSSA cho biết sẽ đề nghị cơ quan chức năng ngăn chặn triệt để hơn nạn nhập lậu đường, đặc biệt là biên giới thuộc Châu Đốc (An Giang). VSSA cũng cho rằng, Chính phủ cũng cần kiểm soát chặt chẽ đường tạm nhập tái xuất nếu chưa cho ngừng hoạt động này.

Tuy nhiên, trong lúc chờ quyết định của Chính phủ thì các DN sản xuất mía đường đang đứng trước 2 sự lựa chọn cực kỳ khó khăn. Đó là muốn đẩy hết lượng đường tồn kho ra thị trường, các DN buộc phải giảm giá bán đường xuống thấp và sẽ chấp nhận chịu ỗ nặng. Hoặc, để có lãi, các DN buộc phải hạ giá thu mua mía xuống. Như vậy, mùa sau bà con nông dân sẽ bỏ mía, quay lưng với nhà máy và khi đó, DN sản xuất đường cũng sẽ điêu đứng.

Nhằm chọn giải pháp an toàn hơn, nhiều DN đã phải hạ giá bán để ‘giữ chân” bà con nông dân, không quay lưng lại với nhà máy. “Chúng tôi chọn thiệt về mình để cố gắng mang lại một chút lợi nhuận cho người nông dân”, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA cho biết.

Điển hình, Công ty TNHH KCP Việt Nam như đang “ngồi trên đống lửa” khi niên vụ 2012 - 2013, KCP đã sản xuất được 9 triệu tấn đường; tồn kho 38.000 tấn - mức tồn cao nhất trong các nhà máy đường hiện nay. Công ty Lam Sơn đang tồn kho khoảng 12.000 tấn đường RE (đường tinh luyện). Đáng lo ngại hơn, khi 65% lượng đường KCP đã bán ra không đủ để trả tiền mía cho nông dân. Bởi giá đường RE tiêu thụ hiện nay rất thấp, khoảng 14.500 – 15.000 đồng/kg, đó là chưa kể những hợp đồng từ phía các đối tác cũng bị hủy khá nhiều.

Ông Lê Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty CP Mía đường Lam Sơn bức xúc: Để giải quyết lượng đường tồn, các nhà máy sản xuất mía đường phải hạ giá, kể cả sang vụ  mới 2013 - 2014 cũng sẽ bị hạ thấp. Điều này sẽ gây tác động mạnh đến giá mía không thể giữ được như niên vụ cũ, nguy cơ dẫn đến cảnh nhiều nhà máy đường sẽ phải đóng cửa, còn hàng nghìn nông dân trồng mía rơi vào điệp khúc “trồng - chặt”.

Chỉ làm lợi cho nông dân nước khác!

Trong lúc đường tồn kho không ngừng tăng cao thì lượng đường nhập lậu vẫn ồ ạt đổ về thị trường trong nước. VSSA dự kiến, số đường lậu có thể lên tới 500.000 tấn trong năm 2013, chiếm 1/3 sản lượng đường của cả nước.

Đáng nói là, trong khi cơ quan chức năng chưa có chế tài để hạn chế được nạn buôn lậu đường, thì năm nào Bộ Công Thương cũng cấp quota nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn đường về nước với giá rẻ, tạo ra thế cạnh tranh không bình đẳng. “Như vậy, chúng ta chỉ làm lợi cho nông dân nước khác, còn nông dân Việt Nam sẽ bị thua thiệt. DN chỉ đi vào con đường chết mà thôi”, ông R.Subbaiah Tổng giám đốc KCP nói.

Chưa hết, gần đây còn phát sinh thêm trường hợp tạm nhập tái xuất. Lợi dụng lỗ hổng từ cơ chế này, hàng loạt đối tượng đã đăng ký tạm nhập đường nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm khác như sữa, bánh kẹo… để xuất khẩu (kể cả việc tạm nhập đường thô để luyện thành đường tinh luyện rồi xuất khẩu). Điều này, chẳng khác nào hợp thức hóa việc buôn lậu đường qua tạm nhập tái xuất. Số đường nhập khẩu theo quota đã gây nên nỗi bức xúc lớn đối với hầu hết các nhà sản xuất đường trong nước, bởi những bất hợp lý của nó đem lại. Ông Đỗ Thành Liêm, Phó chủ tịch VSSA cũng thẳng thắn: “Cơ chế của các bộ, ngành vẫn rất khó hiểu. Mỗi năm nhập khẩu bao nhiêu, ai được cấp quota đều là bí mật, chúng tôi không được biết. Do đó, rất khó để nắm bắt và giải quyết được những rối loạn của thị trường”.

Theo tính toán của một số DN, chỉ cần được giao quota nhập 20.000 tấn đường, đã có thể thu lợi nhuận khủng từ chênh lệch giá nhập khẩu với giá trong nước.

Từ những “siêu lợi nhuận” trên mà “bức tử” các DN sản xuất mía đường trong nước, đẩy cả ngành mía đường rơi vào nguy cơ phá sản và  hàng vạn người nông dân rơi vào cảnh vỡ nợ, bị ngân hàng “siết” nhà? Vì vậy, nhằm cứu ngành mía đường, đại diện nhiều DN cho rằng, Chính phủ nên cho phép tiếp tục xuất khẩu đường tiểu ngạch không hạn chế chủng loại. Số lượng xuất khẩu căn cứ vào dự báo lượng dư thừa. Việc cấp phép cần kịp thời công khai, minh bạch và thông thoáng thủ tục.

Hoàng Hà