Nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Hoa Kỳ, thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hiệp quốc vào ngày 11/05, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi tiếp lãnh đạo Asia Group và nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn của Mỹ như: Blackstone, GenX, AES...

Mở rộng cơ hội cho các nhà đầu tư

Trong buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các nhà đầu tư tập trung nghiên cứu đầu tư vào điện gió, điện mặt trời, điện thủy triều là những nguồn năng lượng rất có tiềm năng phát triển tại Việt Nam.

Đồng thời, mong các nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án theo quy định của pháp luật với sự hỗ trợ của các bộ, ngành, cơ quan, hai bên cùng giải quyết các thủ tục nhanh chóng.

Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo các tập đoàn này bày tỏ, họ quan tâm tới các dự án chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, mong muốn đầu tư hơn nữa để hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP 26.

Việt Nam có vị trí địa lý nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa với bờ biển dài hơn 3200 km, do vậy có rất nhiều tiềm năng về phát triển năng lượng gió nói chung và điện gió nói riêng.
Việt Nam có vị trí địa lý nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa với bờ biển dài hơn 3200 km, do vậy có rất nhiều tiềm năng về phát triển năng lượng gió nói chung và điện gió nói riêng.

Trao đổi với báo giới hôm 11/05, đại diện Tập đoàn điện lực SP Group (Singapore) khẳng định, cam kết đầu tư 750 triệu SGD, tương đương 12.000 tỷ đồng, vào các giải pháp năng lượng bền vững tại Việt Nam cho đến năm 2025. Theo ông Stanley Huang, Giám đốc điều hành Tập đoàn SP Group: “Việt Nam là một thị trường quan trọng đối với SP Group. Chúng tôi cảm thấy được khích lệ bởi định hướng rõ ràng của Chính phủ Việt Nam trong 10 - 20 năm tới”. Đồng thời, ông Stanley Huang khẳng định cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Tập đoàn dự định hỗ trợ nỗ lực của Việt Nam thông qua các giải pháp năng lượng bền vững tại các thành phố, quận, thị xã, cũng như khách hàng trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp”, Giám đốc điều hành của SP Group nói.

Theo ông Stanley Huang chia sẻ, SP Group sẽ đặt mục tiêu đạt 1,5 GW về quy mô tiện ích và các dự án năng lượng mặt trời áp mái tính đến năm 2025. Trong đó, các công ty con thuộc quyền sở hữu của SP Group cam kết phát triển danh mục năng lượng tái tạo tại Việt Nam đạt mức 1.000 MW vào năm 2025.

Thời gian qua, hàng chục tỷ USD vốn FDI đã đổ vào ngành điện của Việt Nam, trong đó tâm điểm là lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Cụ thể, tập đoàn tiên phong trong ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi tại châu Á-TBD Copenhagen Infrastructure Partners (CIP-Đan Mạch) và tỉnh Bình Thuận đã ký biên bản ghi nhớ phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với tổng công suất lên đến 3.500 MW, vốn đầu tư 10 tỷ USD; dự án nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG tỉnh Bạc Liêu, có công suất thiết kế 3.200 MW, tổng vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD do Công ty TNHH Delta Offshore Energy Pte. Ltd (DOE Singapore) đầu tư.

Gần đây các nhà đầu tư trong nước cũng đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo như: Trungnam Group với Dự án Trạm biến áp và đường dây 220/500 kV kết hợp Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450 MW; CTCP Tập đoàn Hà Đô với dự án nhà máy điện mặt trời Hồng Phong 4, nhà máy điện gió Ninh Thuận 7A…

Trong những năm gần đây, mục tiêu ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo được thế giới và cả Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Trong những năm gần đây, mục tiêu ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo được thế giới và cả Việt Nam đặc biệt quan tâm.

Đến năm 2030 Việt Nam đặt mục tiêu đạt tỉ lệ công suất điện tái tạo chiếm 45%

Một trong những lý do khiến năng lượng tái tạo luôn hấp dẫn nhà đầu tư thời gian qua là việc Việt Nam đặt mục tiêu năm 2030 đạt tỉ lệ công suất điện tái tạo chiếm 45% công suất toàn hệ thống. Điều này cho thấy, hướng phát triển của ngành năng lượng Việt Nam theo hướng năng lượng tái tạo. Dự kiến, nguồn lực cần có để thực hiện chương trình phát triển nguồn điện và lưới điện khoảng 14 tỉ USD và để đáp ứng yêu cầu này cần có sự tham gia của các nhà đầu tư.

Ngoài ra, trong khuôn khổ COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính công bố cam kết Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Việt Nam theo đó dành ưu tiên cao cho các nỗ lực phát triển ngành năng lượng theo hướng bền vững với mục tiêu giữ vững an ninh năng lượng quốc gia và giảm phát khí thải nhà kính.

Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng dần từng năm và sẽ bằng 0 vào năm 2050.
Tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố những cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Theo đó, Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng dần từng năm và sẽ bằng 0 vào năm 2050.

Việt Nam được các nhà đầu tư đánh giá rất phù hợp với phát triển điện mặt trời. Đặc biệt, với số giờ nắng cao như ở khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ, các dự án điện mặt trời có thể thu hồi vốn sau 3-4 năm đưa vào vận hành khai thác. Hoàn vốn nhanh, cầu lớn là 2 yếu tố quan trọng hút các nhà đầu tư đổ vốn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Ông Ken Haig - Giám đốc chính sách năng lượng Châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản đề xuất, để thúc đẩy nhà đầu tư tham gia lĩnh vực năng lượng tái tạo, cần chiến lược mang tính chất dài hạn, đặc biệt về hệ thống lưu trữ năng lượng bằng Pin. Đây là cơ hội đối với Việt Nam để có được những lợi ích từ công nghệ này, xanh hoá dự án đầu tư.

Đấu thầu "điện sạch" làm sao để "mượt mà"?

Nhận định về câu chuyện pháp lý đấu thầu các dự án, một chuyên gia nói rằng, Việt Nam đã có Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, các quy hoạch đất đai, quy hoạch điện… nhưng để xây dựng các quy định, chính sách cho đấu thầu năng lượng tái tạo vẫn là khá khó khăn. Các quy hoạch đất đai và quy hoạch điện cần phải làm đồng bộ với nhau, xem xét để làm sao có quy định sửa đổi cho phù hợp.

TS Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Vietnam nói rằng, với việc đấu thầu dự án năng lượng tái tạo, thay vì giao cho tổ chức đấu thầu, thì các tỉnh, thành phố cũng phải tham gia, song hành cùng nhà đầu tư để được lựa chọn. Bộ Công Thương có thể đưa ra yêu cầu, kế hoạch đấu thầu mua điện, để các tỉnh chuẩn bị và hàng năm có thể công bố kết quả. Bước tiếp theo là công việc của các nhà đầu tư, tỉnh thành phố sẽ tiến hành chuẩn bị hồ sơ đấu thầu.

TS Lê Duy Bình cho rằng, đây là giai đoạn quan trọng để chuyển tiếp sang cơ chế đấu thầu, làm sao để "mượt mà" nhất, hạn chế các tranh chấp sau này, duy trì sự hứng thú của các nhà đầu tư với năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Được biết, hiện có 50 tỉnh đã trình Bộ Công Thương đề nghị đưa tổng công suất 550.000 MW điện các loại vào Dự thảo Quy hoạch điện VIII. Trong đó, 129.000 MW điện gió ngoài khơi, 106.000 MW điện gió trên bờ; 140.000 MW điện khí tự nhiên hóa lỏng, 118.000 MW điện mặt trời quy mô trang trại… Nhưng để đảm bảo minh bạch trong môi trường đầu tư năng lượng tái tạo, các tỉnh cần có một cơ chế cạnh tranh công bằng và minh bạch.

Minh An (T/h)