Từ hôm nay (23/09), các mức lãi suất điều hành mới bắt đầu được áp dụng. Về cơ bản, các mức lãi suất huy động đều tăng hơn so với mặt bằng cũ là 1%. Tuy nhiên ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tiết kiệm chi phí hoạt động để ổn định, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Đây là khẳng định của Ngân hàng Nhà nước tại cuộc họp báo quý III vừa diễn ra sáng nay.

Thông tin tại buổi họp báo về kết quả hoạt động quý III/2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, để thực hiện các mục tiêu đặt ra của chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh các mức lãi suất tăng lãi suất tái cấp vốn từ 4,0%/năm lên 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm. Quyết định tăng lãi suất có hiệu lực từ 23/09.

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng, linh hoạt, đồng bộ.

"Ưu tiên số một của Ngân hàng Nhà nước là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng các biện pháp tiền một cách linh hoạt để đạt được những mục tiêu đề ra và có sự phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, cũng như các chính sách kinh tế vĩ mô khác để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, cân đối lớn của nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ", ông Tú nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tú, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiểm soát những lĩnh vực có nhiều rủi ro trong hoạt động tín dụng như bất động sản, chứng khoán. Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện nhưng vẫn tiếp tục kiểm soát việc kinh doanh, mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước đảm bảo sự an toàn của hệ thống.

Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng mạnh lãi suất đồng USD, đã có 257 lượt tăng lãi suất trên toàn cầu. Hàng loạt các đồng tiền trong khu vực Châu Á đã mất giá mạnh như: Yen Nhật giảm hơn 25%, Won Hàn Quốc giảm trên 17%, Ringgit Malaysia giảm trên 9%... Do đó, biến động của tỷ giá Việt Nam quanh mức 4% vẫn là mức thấp. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát, thích ứng linh hoạt với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, "ổn định nhưng không cố định" để điều hành phù hợp.

Tính đến giữa tháng Chín, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021. Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, nhờ đó đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.

Ngân hàng Nhà Nước cho biết, định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14%, nhưng sẵn sàng điều chỉnh linh hoạt hạn mức tăng trưởng tín dụng để đáp ứng đủ vốn cho nền kinh tế, đặc biệt với 5 lĩnh vực ưu tiên, gồm: nông nghiệp - nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ và ứng dụng công nghệ cao.

Ngân hàng Nhà Nước khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là phù hợp, nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động, nhưng cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay.

Rạng sáng 22/09 (giờ Việt Nam) Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản lần thứ 3 liên tiếp và cho biết sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. FED sẽ không giảm lãi suất trước 2023 và mục tiêu lãi suất sẽ lên 4,6% (so với mức 3,25% hiện tại).

Từ đầu năm đến nay, FED đã có 5 lần tăng lãi suất với mức tăng tổng cộng 300 điểm %. Dự kiến, FED sẽ có 03 đợt giảm lãi suất trong năm 2024. Trong năm 2025, tín hiệu thị trường cho thấy, FED sẽ có 4 đợt giảm lãi suất và sẽ về mức 2,9%.

Trúc Mai