Hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu
Năm 2023, với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Y tế, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các ban, ngành và chính quyền các cấp, ngành Y tế tỉnh Đồng Nai đã chủ động, sáng tạo, phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn để triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành và hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.
Trong đó, tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT đạt 90,5 % (chỉ tiêu là 86%). Các chỉ tiêu đạt gồm: Số bác sỹ/vạn dân đạt 9,4 bác sĩ/vạn dân; đạt 30 giường bệnh/vạn dân (y tế công lập: 22,5 giường bệnh/vạn dân, y tế tư nhân: 7,5 giường/vạn dân; không tính giường của trạm y tế xã); 100% xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi theo cân nặng đạt 7,7%, theo chiều cao đạt 21%.
Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 9.760 giường bệnh nội trú và 850 giường lưu bệnh tại trạm y tế. Công suất giường bệnh chung đạt trên 80%; trong đó, một số đơn vị đạt gần 100% như: Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện đa khoa Khu vực Long Khánh.
Về công tác phòng chống dịch, ngành Y tế tiếp tục chủ động tham mưu UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế với các giải pháp phù hợp, kịp thời trên địa bàn tỉnh. Đồng thời Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trong ngành tăng cường thực hiện các giải pháp, kịp thời phát hiện những diễn biến bất thường của dịch bệnh để áp dụng các biện pháp xử lý hiệu quả, quyết tâm khống chế không để dịch lây lan và bùng phát.
Tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh giảm mạnh về số ca mắc lẫn số ca tử vong; ngành y tế tiếp tục duy trì tốt các hoạt động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm khác như sởi, tay chân miệng, sốt rét…và kiểm soát không để xuất hiện các dịch như: tả; thương hàn; viêm màng não do não mô cầu; cúm, liên cầu lợn ở người, ho gà, uốn ván..
Về công tác khám chữa bệnh, ngành y tế tỉnh đã thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, thường trực cấp cứu và đảm bảo nghiêm túc chế độ trực gác, được các đơn vị triển khai thực hiện tốt, an toàn, đúng quy định; thực hiện tốt công tác quản lý, điều trị các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh, hạn chế thấp nhất số ca mắc bệnh tử vong; thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính và khám chữa bệnh cho người có thẻ BHYT theo luật BHYT và tiếp tục cải tiến quy trình khám chữa bệnh.
ngành y tế tỉnh thực hiện dự án công nghệ thông tin và ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, thanh quyết toán BHYT, bệnh án điện tử, Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn, kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc.
Duy trì hoạt động của đường dây nóng tại các cơ sở khám, chữa bệnh; duy trì hoạt động có hiệu quả Đề án 1816; đề án Bệnh viện vệ tinh nhằm nâng cao kỹ thuật trong khám chữa bệnh tại các tuyến.
Với những kết quả đã đạt được trong năm qua, bước sang năm 2024 ngành Y tế tỉnh Đồng Nai đặt ra mục tiêu: Tỷ lệ trạm y tế xã, phường, thị trấn đủ điều kiện khám chữa bệnh BHYT đạt 91,2%; 100% trạm y tế có bác sĩ làm việc; đạt 9,7 bác sĩ, 30 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cân nặng và chiều cao lần lượt là 7,6% và 20,4%.
Tiếp tục kiểm soát, khống chế các loại dịch bệnh truyền nhiễm; tiếp tục liên kết với các trường đại học y, dược thực hiện nhiều loại hình đào tạo cán bộ y tế; nâng cao y đức của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho các cơ sở y tế. Trong đó, sẽ khởi công xây mới 19 trạm y tế; cải tạo, nâng cấp 17 trạm y tế; chuẩn bị đầu tư 2 trạm y tế xây mới, 1 trạm y tế cải tạo…
Đột phá trong khám chữa bệnh, áp dụng mạnh mẽ công nghệ cao, chuyên sâu
Đồng Nai nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời là một trong ba góc nhọn của tam giác TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai nên có những thuận lợi về cả mọi mặt, trong đó có lĩnh vực y tế.
Các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu được chuyển giao từ các bệnh viện tuyến trung ương tại TP. Hồ Chí Minh qua các Đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816,... đã góp phần nâng cao năng lực khám chữa bệnh tại cơ sở, giảm tải tuyến trung ương và giảm gánh nặng đối với quỹ BHYT.
Điều này vừa giúp nâng tầm, tạo thương hiệu, uy tín cho bệnh viện, vừa giúp người dân trong tỉnh được tiếp cận các kỹ thuật cao ngay tại địa phương mà không cần đến các bệnh viện tuyến trên, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí, cơ hội điều trị.
Trong rất nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu mà các cơ sở y tế đã tiếp nhận và triển khai điều trị hiệu quả như: nhóm cắt và tạo hình tạng; phẫu thuật nội soi cắt ruột, cắt một phần thùy phổi; phẫu thuật vi phẫu u não nền sọ; phẫu thuật bắc cầu các động mạch vùng cổ - nền cổ; phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ; phẫu thuật kẹp cổ túi phình mạch não phần trước đa giác Willis; tạo hình thân đốt sống bằng bơm cement sinh học có bóng; kỹ thuật hồi sức tim phổi nhân tạo ECMO.
Ngoài ra còn có các kỹ thuật như: thăm dò huyết động theo phương pháp PICCO; tiêu sợi huyết chọn lọc điều trị tắc mạch cấp tính; phẫu thuật Hybrid (kết hợp phẫu thuật và can thiệp mạch, phẫu thuật nội soi khớp khuỷu (Bệnh Tennis elbow); phẫu thuật nội soi khớp cổ chân cắt lọc sụn khớp cổ chân; kỹ thuật đốt điện sinh lý điều trị loạn nhịp nhanh; kỹ thuật đoạn nhũ vú do ung thư vú; nội soi ruột non bằng viên nang; xét nghiệm và chẩn đoán mô bệnh học tức thì bằng phương pháp cắt lạnh…
Thời gian tới, các đơn vị trên địa bàn tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục hợp tác với các bệnh viện tuyến trên để triển khai có hiệu quả Đề án 1816, bệnh viện vệ tinh, tập trung vào các kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán, phát hiện sớm và điều trị các bệnh tim mạch, tiểu đường, phẫu thuật thần kinh, chấn thương, tạo hình và trong lĩnh vực phụ sản, nhi khoa, ung bướu…
Đặc biệt, một số kỹ thuật cao mong muốn được hợp tác và nhận chuyển giao công nghệ như: mổ tim hở; can thiệp tim mạch; phẫu thuật nội soi; phẫu thuật vi phẫu; phẫu thuật điều trị ung thư; phẫu thuật tạo hình; phẫu thuật chấn thương; phẫu thuật thần kinh; các kỹ thuật trong hồi sức, các thiết bị kỹ thuật cao như điều trị ung thư bằng máy gia tốc tuyến tính, SPECT/CT, PET/CT; thụ tinh trong ống nghiệm; định hướng các lĩnh vực công nghệ trọng điểm đầu tư và hợp tác chuyển giao kỹ thuật công nghệ cao, hiện đại trong thời gian tới như phẫu thuật tim nội soi, kỹ thuật ghép tạng, robot phẫu thuật nội soi, công nghệ tế bào gốc, công nghệ giải trình tự gen, công nghệ sinh học,… trong chẩn đoán và điều trị bệnh.
Để làm được điều này, ngành Y tế Đồng Nai xác định công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực khoa học, đào tạo cán bộ chuyên môn sâu, hướng đến đào tạo chuyên gia thuộc các lĩnh vực y dược. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu khoa học, đặt hàng các bệnh viện lớn triển khai các đề tài bám sát thực tế công tác khám chữa bệnh, ưu tiên các lĩnh vực như: đột biến gen gây ung thư, hệ thống vi sinh vật, nghiên cứu ứng dụng xét nghiệm dược lý hệ gen, ứng dụng mô hình quản lý nghiên cứu phản vệ ở người Việt Nam, hệ thống tư vấn sức khỏe tự động qua Chatbot, … Mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đem lại sự hài lòng cho người bệnh.
Hoàng Bách