Được biết, Đông Yên Tử (Quảng Ninh) được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, tôn giáo đánh giá là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập, còn Tây Yên Tử (Bắc Giang) là con đường hoằng dương Phật pháp của vị vua từng rũ bỏ ngai vàng, chuyên tâm tu hành và tạo dựng một dòng Thiền mang bản sắc dân tộc.

Sau khi Phật hoàng nhập niết bàn, tổ đệ nhị Pháp Loa và tổ đệ tam Huyền Quang cũng theo con đường phía Tây này thực hiện nhiệm vụ Phật sự của Trúc Lâm, cho mở mang, xây dựng chùa tháp, phát triển đạo Phật rộng khắp ở Bắc Giang.

Ngày 27/2 sẽ khai hội Tây Yên Tử tại Bắc Giang - Hình 1

Các đại biểu thắp hương tại chùa Hạ (Ảnh: bacgiang.gov)

Tây Yên Tử gồm hệ thống các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh nằm phía Tây của núi Yên Tử, trải dài từ huyện Sơn Động qua Lục Ngạn, Lục Nam đến huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.

Đây là vùng đất địa linh, núi non hùng vĩ, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, nhiều giá trị di sản văn hóa quí báu, nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị thuộc khu vực Tây Yên Tử bị mai một.

Để khôi phục, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh khu vực Tây Yên Tử, gắn với phát triển du lịch bền vững, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, UBND tỉnh Bắc Giang đã triển khai quy hoạch, xây dựng Khu văn hóa tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử từ năm 2014 và đến nay đã hoàn thiện nhiều hạng mục.

Được biết, Lễ hội lần này sẽ triển khai một số nội dung như: Lễ khánh thành chùa Hạ, lễ phát động tết trồng cây Xuân Mậu Tuất 2018, lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử 2018, tổ chức Khai mạc Hội trại văn hóa các dân tộc huyện Sơn Động năm 2018, khu trưng bày sản vật và quảng bá tiềm năng thế mạnh du lịch của tỉnh Bắc Giang, tổ chức các giải thể thao và trò chơi dân gian tại Lễ hội Tây Yên Tử 2018.

Ngày 27/2 sẽ khai hội Tây Yên Tử tại Bắc Giang - Hình 2

Đông đảo du khách dâng hương tại chùa Hạ (Ảnh: bacgiang.gov)

Theo ông Nguyễn Quang Ngạn, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động, Trưởng ban Tổ chức Lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử 2018 cho biết: “Điểm nhấn của Lễ hội chính là quảng bá tiềm năng, thế mạnh về du lịch, thu hút đầu tư thực hiện dự án xây dựng Khu văn hóa tâm linh- sinh thái Tây Yên Tử, tạo một vùng cảnh quan du lịch, dịch vụ gắn với các di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh trong khu vực Tây Yên Tử”.

Cũng theo ông Ngạn: “Dự liệu đợt Lễ hội này sẽ  thu hút khoảng 100.000 lượt du khách trong và ngoài tỉnh đến với lễ hội. Vì đây là lần đầu tiên tổ chức Lễ hội nên các lãnh đạo huyện đã khảo sát lễ hội ở một số địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Nam Định, Phú Thọ, Lạng Sơn và các lễ hội trong tỉnh Bắc Giang, với mục đích tháo gỡ khó khăn trong việc chưa nhiều kinh nghiệm tổ chức lễ hội lần đầu tiên”.

Bên cạnh đó, Huyện ủy, UBND huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo, thành lập Ban Tổ chức Lễ khai hội và 05 tiểu ban giúp việc phục vụ Lễ khai hội Xuân Yên Tử 2018 (tiểu ban nội dung, tiểu ban lễ tân, tiểu ban hậu cần, tiểu ban hội trại, tiểu ban an ninh).

Ban Tổ chức phối hợp với Ban Quản lý xây dựng di tích Tây Yên Tử, Công ty Cổ phần dịch vụ Tây Yên Tử chuẩn bị tốt về mặt bằng tổ chức lễ khánh thành chùa Hạ, lễ phát động tết trồng cây Xuân Mậu Tuất, lễ khai hội Xuân Tây Yên Tử 2018; bố trí địa điểm đón tiếp đại biểu và du khách; bố trí lực lượng Công an huyện trực tiếp làm công tác phân luồng giao thông và an ninh trật tự. Bố trí lực lượng làm công tác vệ sinh môi trường và dịch vụ tại lễ hội.

Tuấn Ngọc