Để hạn chế tình trạng ngộ độc do sử dụng rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, ngay từ những tháng đầu năm 2018, Quản lý thị trường Nghệ An đã tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm rượu lưu thông trên thị trường.
Ông Nguyễn Thanh Phong – Chi cục phó QLTTT Nghệ An cho biết: "Riêng đối với mặt hàng rượu không rõ nguồn gốc, từ ngày 23/3 đến 27/3/2018 đã kiểm tra, xử lý được 96 cơ sở vi phạm kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc trên địa bàn, tổng giá trị thu phạt đạt hơn 221 triệu đồng, tịch thu 3.213 lit rượu không rõ nguồn gốc. Hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa hạn chế kinh doanh mà không có giấy phép hạn chế kinh doanh; không có giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu".
Kiểm tra, thu giữ nhiều lít rượu nấu không rõ nguồn gốc, xuất xứ ở một nhà hàng trên địa bàn Nghệ An
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hầu hết cơ sở sản xuất, kinh doanh bán buôn, bán lẻ rượu chưa chấp hành nghiêm chế độ báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, gây khó khăn trong công tác tổng hợp, đánh giá tình hình. Các địa phương thiếu cán bộ chuyên trách nên việc hướng dẫn, vận động cơ sở chưa thường xuyên, các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu chủ yếu nhỏ lẻ, phân bố rải rác... Trong khi đó, đối tượng tiêu thụ chủ yếu là những người lao động nghèo, thu nhập thấp có nhu cầu về rượu rẻ tiền.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trong giai đoạn 2013 - 2017, cả nước có 28 vụ ngộ độc rượu làm 193 người mắc, 179 người nhập viện và 34 người tử vong. Tại tỉnh Nghệ An chỉ trong tháng 3/ 2018, đã có 3 người tử vong do ngộ độc rượu. Các bệnh nhân uống rượu bị ngộ độc ở các địa chỉ khác nhau không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác, rượu được bán tại các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ.
Nghị định số 94/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2013 về sản xuất, kinh doanh rượu quy định: "Các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm có dán nhãn; bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu, để chế biến lại rượu phải đăng ký với UBND cấp xã nơi sản xuất; khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ, người nấu rượu cần xuất trình hợp đồng mua bán rượu với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu cho các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị kiểm tra".
Mạnh Hùng