Có biện pháp chỉ đạo quyết liệt để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước và thế giới, kịp thời có phản ứng chính sách phù hợp; tiếp tục quán triệt, có kế hoạch, biện pháp cụ thể, quyết liệt thực hiện chủ đề của Chính phủ năm 2018 là: “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”; tập trung thực hiện, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Công điện số 240/CĐ-TTg ngày 21/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ, chống bệnh quan liêu, hình thức, tạo chuyển biến rõ rét trong từng ngành, lĩnh vực.
Cụ thể, tiếp tục tập trung thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong năm 2018 và các năm tiếp theo, Chính phủ tiếp tục coi công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh là ưu tiên hàng đầu. Tích cực rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập gây cản trở cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các quy định liên quan đến đầu tư, kinh doanh, quy hoạch, môi trường, đất đai…
Từng bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước khẩn trương xây dựng kịch bản tăng trưởng theo từng quý, có biện pháp chỉ đạo quyết liệt, cụ thể để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng đã đề ra; người đứng đầu chịu trách nhiệm về kết quả điều hành thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch của ngành, lĩnh vực phụ trách. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, xây dựng kịch bản tăng trưởng, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 3 năm 2018. Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, tập trung nghiên cứu, kịp thời đề xuất các giải pháp, đối sách phù hợp, nhất là việc điều chỉnh chính sách của các nước lớn.
Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp gắn với bảo đảm chất lượng tín dụng, nhất là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thúc đẩy cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất; giữ ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt các giải pháp cần thiết và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, tạo chuyển biến ngay trong tháng 3 năm 2018. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, nghiêm khắc kiểm điểm trách nhiệm, xử lý các trường hợp gây chậm trễ trong triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì khẩn trương giao hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018 trước ngày 31/3/2018; báo cáo Thủ tướng Chính phủ tổng thể việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 trong tháng 3 năm 2018. Tăng cường thực hiện đấu thầu qua mạng, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.
Bộ Tài chính thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, mua sắm, hội họp; quyết liệt chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, mở rộng và không để xói mòn cơ sở thuế; tăng cường giải pháp thu thuế từ hoạt động của khu vực kinh tế phi chính thức. Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài sản công. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả nợ công và bảo đảm khả năng trả nợ, bảo đảm an toàn nợ công và nền tài chính quốc gia.
Kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng
Các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo điều hành giá kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng ngay từ những tháng đầu năm để tạo dư địa điều hành cho những tháng cuối năm; xây dựng phương án, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý; xây dựng kịch bản điều hành giá chi tiết, phù hợp, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2018.
Các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch và mục tiêu cụ thể, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, tập trung đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cơ cấu lại ngành, lĩnh vực, địa phương mình; có giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc để phát triển các khu kinh tế tập trung, khu công nghệ cao... Các bộ, cơ quan theo phân công khẩn trương chuẩn bị nội dung, chương trình tổ chức các hội nghị chuyên đề toàn quốc để bàn về những giải pháp, quyết sách chỉ đạo tầm quốc gia đối với những vấn đề trọng yếu của đất nước.
Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thực hiện quyết liệt các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát các mặt hàng, địa bàn trọng điểm để phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi trốn thuế, sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại.
Các Phó Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, theo dõi sát tình hình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ yếu thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách. Tập trung theo dõi, xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ, thất thoát lớn và các dự án khác do ngân sách nhà nước đầu tư.
Sớm vận hành hiệu quả ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt
Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân các tỉnh: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang chuẩn bị đầy đủ cơ sở pháp lý và các điều kiện cần thiết để sớm vận hành hiệu quả ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trong đó khẩn trương hoàn thiện các Đề án của Chính phủ về thành lập các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, hoàn thiện dự án Luật đơn vị - hành chính kinh tế đặc biệt, trình Quốc hội thông qua.
Các Bộ: Giao thông vận tải, Công Thương, Tài chính và các địa phương nghiên cứu, đề xuất cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp như: giá dịch vụ sử dụng đường bộ, phí dịch vụ logistics... trong tháng 3 năm 2018.
Các bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá công việc đang triển khai, nhất là về vấn đề môi trường, xử lý nước thải, rác thải, bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, xử lý triệt để các vấn đề đang gây bức xúc xã hội như: Trật tự đô thị, bảo đảm an toàn cho cán bộ, bác sĩ, nhân viên y tế trong bệnh viện, ứng xử trong môi trường giáo dục.
Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan khai thác hiệu quả các cơ hội, lợi thế của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết. Đẩy nhanh tiến độ ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời hướng dẫn, triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Chủ động công tác ứng phó với thiên tai. Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, hiệp hội ngành hàng, các địa phương có giải pháp thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực. Chủ trì, phối hợp với các địa phương tăng cường công tác quản lý di dân tự do, khẩn trương đề xuất chính sách quản lý di dân và chuẩn bị hội nghị toàn quốc bàn về giải pháp giải quyết tình trạng dân di cư tự do tại các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ.
Xây dựng phương án bãi bỏ thủ tục kiểm tra chuyên ngành không cần thiết
Về tình hình thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và kết quả kiểm tra của Tổ công tác tháng 2/2018, Chính phủ giao Tổ công tác tiếp tục đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ, cơ quan, địa phương, báo cáo công khai tại phiên họp Chính phủ. Đồng thời, yêu cầu các bộ, cơ quan thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Tổ công tác; trong đó tập trung thực hiện một số nội dung.
Cụ thể, đối với các bộ quản lý chuyên ngành và các bộ, cơ quan quản lý ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, khẩn trương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa, bãi bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành không cần thiết, bất hợp lý, chồng chéo, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh; báo cáo Thủ tướng Chính phủ chậm nhất trước ngày 30/4/2018.
Xây dựng văn bản thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định về điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo hướng xây dựng một nghị định sửa nhiều nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Chính phủ xem xét, ban hành chậm nhất trước ngày 31/10/2018; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, nghiên cứu, tiếp tục đề xuất cắt giảm ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý quy định tại Phụ lục 4 của Luật đầu tư; xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp.
Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định về thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành; Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành, đề xuất cụ thể cách thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với danh mục hàng hóa đang chịu nhiều hình thức quản lý, kiểm tra chồng chéo của nhiều bộ.
PV