TS. Nguyễn Minh Phong
Nghị quyết về xử lý nợ xấu, được Quốc hội thông qua tại kỳ họp vừa qua - được đánh giá sẽ góp phần giảm lãi suất. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Đó là kỳ vọng! Tuy nhiên, có mấy điểm cần lưu ý. Trước hết, đây chỉ dành cho khoản nợ có phát sinh cho đến 15/8 tới đây, còn sau đó không tính, cho nên những khoản nợ về sau này không nằm trong diện quản lý hay xử lý của nghị quyết. Sẽ không sử dụng ngân sách nhà nước, mà theo nguyên tắc thị trường, giá và các yêu cầu của thị trường. Tiếp tục đòi hỏi xử lý trách nhiệm những người có liên quan gây ra nợ. Ba điểm này, cụ thể như thế nào thì còn phải chờ, tinh thần như thế là tốt. Đặc biệt, có giao quyền cho chủ nợ, ngân hàng xử lý nợ bằng những tài sản thế chấp theo giá thị trường. Đây là đột phá quan trọng nhất.
Mặt khác, có thể điều chỉnh bán dưới giá ghi sổ là rất quan trọng. Ngoài ra, thực hiện việc mua bán nợ cho phép các đối tượng tham gia rộng rãi hơn. Tất cả những điều này nếu làm tốt, sẽ giúp xử lý nợ xấu, khi đó tiền dự trữ bắt buộc giảm bớt, vốn đưa vào kinh doanh nhiều hơn, chắc chắn sẽ giúp ngân hàng giảm lãi suất. Như vậy, tác động giảm lãi suất chỉ có khi đã xử lý được nợ xấu và giải quyết tốt, chứ không sẽ không có nhiều ảnh hưởng.
Ông có nhắc tới việc xử lý trách nhiệm của cá nhân gây ra nợ xấu, sự minh bạch thị trường?
Tôi vẫn nhấn mạnh, tránh ngộ nhận theo kiểu sử dụng biện pháp này như là một cách để hòa cả làng mà tiếp tục xử lý nợ và bắt lỗi người có lỗi. Thêm vào đó, việc cho phép bán dưới giá trị tài sản thế chấp mới là điểm cần lưu ý, để tránh việc trục lợi cá nhân hoặc xóa tội cho những người khác.
Vấn đề còn chờ hướng dẫn xử lý những khoản dưới giá như vậy thì trách nhiệm người bán tới đâu, liệu có cho phép, để bán cho người nhà, người thân, lợi ích nhóm…, từ đó gây thất thoát tài sản, nhất là tài sản đảm bảo. Dường như dư luận vẫn lo ngại chuyện đó. Nếu được phép bán dưới giá thì rất dễ xảy ra tình trạng bán bừa, gây thất thoát tài sản thế chấp. Việc xử lý nợ như vậy, gây tình trạng lợi dụng, bán dưới mức giá ghi sổ.
Còn minh bạch theo giá thị trường thì đúng nếu thực hiện niêm yết, đấu giá và khai báo đầy đủ để tính toán và có đội thẩm vấn. Nơi nào không có thị trường, sẽ dùng giá của tư vấn. Nếu làm khách quan, sẽ minh bạch hơn. Có giá tư vấn, giá thị trường để tham khảo, đến đâu sẽ do thực tế. Còn nếu có kiểu “ăn dơ” với đội thẩm vấn, thì chưa chắc đã minh bạch.
Khi đưa ra hướng dẫn, việc bổ sung những chế tài cụ thể sẽ phải đặt ra như thế nào, theo ông?
Về nguyên tắc nên đưa ra điều kiện có thể bán dưới giá và phải rất cụ thể, rõ ràng, tránh việc chả ai mua nên phải bán, như vậy rất nguy hiểm. Thêm nữa, chế tài phạt những người lạm dụng trường hợp nào cũng phải làm rõ, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự, bởi đó như tội tham nhũng, tham ô.
Trước mắt, xử lý những khoản nợ đọng, còn sau thời điểm 15/8, sẽ theo cơ chế thị trường. Nợ là quá trình liên tục, không phải giải quyết một lần là xong, mà tiếp tục phát sinh tiếp, không bao giờ hết được.
Cho nên, không coi việc có nghị quyết xử lý nợ đặc biệt như một công cụ thường xuyên, mà phải luôn giám sát và xử lý nợ theo nguyên tắc thị trường, chứ không phải chờ đến lúc đọng dồn mới có nghị quyết kiểu này.
Hiện nay, cần khẳng định tính chất và bản chất của nợ trong bối cảnh hội nhập có mấy điểm. Một là, nợ là bạn đồng hành của kinh tế thị trường, của tất cả các DN, dù lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu. Hai là, một DN có thể vừa là con nợ vừa là chủ nợ. Nợ đồng lần, nợ dắt dây rất mạnh. Thậm chí, ngân sách cũng còn nợ họ, tạo ra vòng nợ luẩn quẩn. Ba là, nợ công – nợ tư đang liên hệ với nhau chặt chẽ, thậm chí chuyển hóa lẫn nhau. Nợ công làm tăng nợ tư, bởi khi nợ công tăng, tức là ngân sách thu nhiều hơn, giảm thuế ít hơn, ít chi tiêu xã hội hơn thì DN và người dân phải bỏ tiền nhiều hơn. Do đó, nợ công tăng thì nợ tư cũng tăng.
Nợ tư tăng đến một lúc nào đó, nợ công cũng sẽ tăng theo, do Nhà nước phải đứng ra trả nợ thay hoặc phải mua ngân hàng bằng 0. Việc này, chính là biểu hiện nợ tư biến thành nợ công, trường hợp này không được phép lạm dụng. Sau khi mua 3 ngân hàng bằng 0, Ngân hàng Nhà nước tính toán Nhà nước rất thiệt thòi, làm tăng sức ép ngân sách. Đây là điều cần hết sức cảnh giác.
Có 2 cách biến đó là các DNNN xin Nhà nước trả nợ đậy, các ngân hàng tư nhân, Nhà nước mua bằng 0. Đây là 2 hình thức biến nợ tư thành nợ công, rất nguy hiểm.
Chính vì thế, trách nhiệm trả nợ cần đề cao hơn, phải bắt lỗi chủ ngân hàng, chủ DN phá sản, bắt lỗi cả về tài chính và hình sự. Chế tài nghiêm thì mới đảm bảo tránh việc biến nợ trở thành công cụ kinh doanh. Bởi đã có tư tưởng bán ngân hàng cho Nhà nước là lợi nhất. đây là điểm cần phải nghiêm khắc cảnh báo. Nếu không, hàng chục ngân hàng phá sản kiểu đó, không những làm tăng nợ công, nợ ngân sách, mà còn làm rúng động hệ thống tài chính tiền tệ, gây đổ vỡ cho nền kinh tế nước ta.
Kiểm soát nợ xấu, về lâu dài, cần chú ý những điểm gì?
Về trung hạn và lâu dài, để làm giảm phát sinh nợ xấu mới, bảo đảm đến năm 2020 xử lý và kiểm soát vững chắc nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng xuống dưới 3% tổng dư nợ, trong quá trình xử lý nợ xấu, cần phải thực hiện nghiêm việc không sử dụng ngân sách nhà nước, vừa quán triệt các nguyên tắc thị trường, vừa thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.
Đáng chú ý, cần tăng cường chỉ đạo sửa đổi hệ thống pháp luật có liên quan; cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, ban hành và áp dụng các chuẩn mực quản trị ngân hàng, quản lý rủi ro cao hơn, hợp lý theo thông lệ quốc tế; khắc phục sai sót về trình tự, thủ tục thẩm định cho vay thiếu chặt chẽ, thiếu tài sản bảo đảm, giải ngân không đúng mục đích, không được kiểm soát; giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay, trích lập thiếu dự phòng rủi ro tín dụng; chủ động nhận diện và đấu tranh với các hành vi trục lợi, che giấu tội phạm và vì lợi ích nhóm. Kiên quyết xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và ngăn chặn từ xa mọi nguy cơ đổ vỡ, gây mất an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!
Đoàn Huế (Thực hiện)