Xét về con số tuyệt đối, thì 9/10 ngân hàng khảo sát đều có số nợ xấu tăng, trong đó Sacombank có hơn 10.083 tỷ đồng nợ xấu, còn hai “ông lớn” Vietinbank và Vietcombank có số nợ xấu lần lượt là 7.017 tỷ đồng và 7.376 tỷ đồng, tăng 6,3% và 17,4% so với đầu năm.

Theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã được kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.

Sau một thời gian khá dài vật lộn với khó khăn, có thể nói quý I/2017 đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của ngành ngân hàng khi hàng loạt các nhà băng “hân hoan” báo lãi tăng vọt, thậm chí gấp đôi, gấp ba cùng kỳ năm trước như Techcombank hay Eximbank. Một số “ông lớn” khác cũng báo lãi lên tới cả ngàn tỷ đồng như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, VPBank...

Nợ xấu tiếp tục vây quanh các “ông lớn” ngân hàng - Hình 1

Quý I, tình hình nợ xấu tiếp tục tăng cao đối với nhiều ngân hàng (Ảnh minh họa)

Với tỷ lệ nợ xấu lên tới 4,89% tổng dư nợ, Sacombank đang là ngân hàng dẫn đầu trong nhóm về tỷ lệ nợ xấu, mặc dù con số này đã giảm so với mức 5,35% hồi đầu năm. Về con số tuyệt đối, dù có giảm nhẹ so với đầu năm, nhưng Sacombank vẫn là một trong những nhà băng đứng đầu với 10.083 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng ở mức 6.602 tỷ đồng, tương đương 65,5% tổng nợ xấu.

Theo báo cáo riêng của ngân hàng tại ngày 31/3/2017, VPBank đang có 3.361 tỷ đồng nợ xấu, tăng 47,3% so với đầu năm nhưng vẫn ở trong khoảng “an toàn” là 2,86% tổng dư nợ (so với mức 2,03% đầu năm). Tuy nhiên, báo cáo hợp nhất lại cho thấy, nợ xấu của ngân hàng đã lên tới 5.326 tỷ đồng, tăng tới 26,6% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 29% lên 3.013 tỷ đồng, nợ nghi ngờ tăng 22,3% lên 1.192 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 24,9%, lên 1.120 tỷ đồng.

Đứng thứ ba trong những ngân hàng dẫn đầu về tỷ lệ nợ xấu là Eximbank. Tính đến hết quý I, ngân hàng này đang có hơn 2.589 tỷ đồng nợ xấu, chỉ tăng nhẹ 1,1% so với đầu năm. Tuy nhiên, do hoạt động tín dụng tăng trưởng âm nên đẩy tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng lên mức 3%, so với mức 2,95% hồi cuối năm 2016.

Trước đó, trong dự thảo lần 1 liên quan đến Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, NHNN cho rằng, sau 4 năm thực hiện đề án tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) cũng như sau khi có VAMC ra đời, đến nay về cơ bản, việc cơ cấu lại hệ thống TCTD đã đạt được một số kết quả nhất định.

Theo đó, tính đến cuối tháng 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 2,46%. Tuy nhiên, quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng cho thấy, hệ thống các TCTD còn nhiều tồn tại, hạn chế.

NHNN cũng đánh giá việc xử lý nợ xấu đã có kết quả bước đầu khả quan nhưng pháp luật về xử lý nợ xấu cũng như xử lý tài sản bảo đảm còn nhiều bất cập, thiếu cơ chế đặc thù cho VAMC hoạt động. 

Tính đến thời điểm này, đã có 2 ngân hàng mua lại nợ xấu từ VAMC và một số ngân hàng cũng đang dự kiến sẽ mua lại các khoản nợ xấu đã bán trong năm nay để làm sạch danh mục nợ xấu tại VAMC.

Có nhiều lý do để các ngân hàng phải tính cách thức xử lý nợ xấu chủ động một cách mạnh mẽ trong năm nay. Trong đó, nguyên nhân chính phải kể đến là một số ngân hàng đã giảm được tỷ lệ nợ xấu nội bảng, hoạt động kinh doanh ghi nhận lợi nhuận tốt hơn trong năm 2016 và kế hoạch lợi nhuận tăng cao hơn trong năm 2017, giúp trích lập quỹ dự phòng rủi ro đầy đủ cho các khoản nợ xấu.

Thị trường bất động sản đang ấm dần lên ở nhiều phân khúc kể từ năm 2015 cho đến nay cũng là một nguyên nhân, đặc biệt là phân khúc đất nền không chỉ trong khu vực nội thành mà còn ở các tỉnh xung quanh TP. HCM, Hà Nội… tạo cơ hội tốt trong việc xử lý tài sản đảm bảo bằng bất động sản- đây là tài sản thế chấp cho phần lớn các khoản nợ xấu tại các ngân hàng. Từ đó, các ngân hàng có đủ tiềm lực để quay trở lại mua khoản nợ xấu đã bán cho VAMC và đây là một tín hiệu đáng mừng đối với quá trình xử lý nợ của hệ thống ngân hàng.

Ngoài 2 ngân hàng trên, nhiều NHTM khác cũng xác định nhiệm vụ tự thân đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu. Cụ thể, SCB đã xử lý, thu hồi được hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu, giảm đáng kể tổng nợ mà ngân hàng này đã bán cho VAMC từ mức 17.000 tỷ đồng xuống còn 14.000 tỷ đồng cuối năm 2016. Hay như OCB cũng dự định làm sạch danh mục nợ xấu bán cho VAMC trong năm 2017 và đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 1%.

VAMC đang thực hiện thí điểm việc mua nợ xấu theo giá trị thị trường và đang từng bước triển khai các công việc cụ thể như đánh giá thực trạng khoản nợ để xem xét hiệu quả việc mua nợ theo giá thị trường, tìm kiếm đối tác mua nợ, đàm phán với các ngân hàng để thống nhất phương án triển khai.

Cho đến nay mới chỉ có VCB đã mua lại hoàn toàn các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC trước đó. Một số ngân hàng tương tự đang lên kế hoạch mua lại các khoản nợ đã bán cho công ty này trong năm nay, tuỳ theo tình hình tài chính và kế hoạch riêng của từng ngân hàng. Do đó, trong năm nay sẽ còn nhiều ngân hàng vẫn duy trì các khoản nợ xấu đã bán tại VAMC và tiếp tục phối hợp để giải quyết cho hiệu quả.

Ngọc Linh