Báo cáo tại Hội thảo Xử lý nợ xấu - Nhìn từ góc độ chính sách và pháp luật được tổ chức chiều ngày 23/5/2017, PGS. TS. Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc NHNN thừa nhận rủi ro và nợ xấu là "người đồng hành bất đắc dĩ" trong hoạt động kinh doanh ngân hàng, tuy không thể xóa bỏ hoàn toàn, nhưng có thể hạn chế rủi ro ở mức chấp nhận được.
Ngân hàng Nhà nước đã xử lý 616,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu
Kết quả, tính đến thời điểm 1/2017, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 616,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu (nợ xấu được xử lý năm 2012 là 74,68 nghìn tỷ đồng; năm 2013 là 87,98 nghìn tỷ đồng; năm 2014 là 143,55 nghìn tỷ đồng; năm 2015 là 186,89 nghìn tỷ đồng; năm 2016 là 118,49 nghìn tỷ đồng và tháng 1/2017 là 5,14 nghìn tỷ đồng).
Trong đó, nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lý là 349,7 nghìn tỷ đồng (chiếm 56,7% tổng số nợ xấu được xử lý), còn lại là bán nợ cho các tổ chức, cá nhân khác (chiếm 43,3%).
Theo đó, nợ xấu đã được kiềm chế, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 2/2017 về mức 2,56% tổng dư nợ tín dụng.
Kết quả xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng qua Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), lũy kế từ năm 2013 đến 31/3/2017, tổng số tiền thu hồi nợ qua VAMC đạt 53.236 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong tổng số nợ xấu được xử lý, thì hình thức bán, phát mại tài sản đảm bảo để thu hồi nợ ở mức khá thấp, chỉ đạt 17,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 2,8% tổng nợ xấu được xử lý).
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc xử lý hiệu quả tài sản bảo đảm đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật được xây dựng một cách đồng bộ, minh bạch, phù hợp, tôn trọng quyền chủ nợ hợp pháp, chính đáng của bên cho vay, tạo lập được khuôn khổ pháp lý cho các bên liên quan, đặc biệt là chủ nợ thực thi được quyền hợp pháp của mình theo thỏa thuận, thiết lập được cơ chế, cách thức cho phép các bên lựa chọn được cách xử lý nhanh chóng, thuận tiện, tối đa hóa được giá trị thu nợ từ tài sản đảm bảo.
Đồng thời, hệ thống pháp luật này phải được các cơ quan, tổ chức liên quan, các bên tham gia giao dịch thực hiện nghiêm minh.
Đó cũng là những nội dung có trong dự thảo về nghị quyết xử lý nợ xấu mà Quốc hội sẽ xem xét để có thể thông qua tại kỳ họp đang diễn ra.
Về nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, qua hội thảo trên, Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận: “Xét về nguyên nhân của các khoản nợ xấu, có thể thấy, nợ xấu của hệ thống ngân hàng gia tăng không có nghĩa là do ngân hàng hoạt động kém hiệu quả, mà xuất phát từ những khách hàng vay không trả được nợ”.
Đặc biệt ở Việt Nam, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu từ năm 2008 đến nay, nền kinh tế đã chịu tác động tiêu cực và kinh tế vĩ mô có nhiều yếu tố không thuận lợi. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và đây được xem là nguyên nhân chính dẫn đến nợ xấu.
Hà Long